Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

Tấm pin mặt trời cũ phải thu hồi, tái chế

Đưa sản phẩm tấm pin mặt trời đã sử dụng vào danh mục các sản phẩm mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện thu hồi, tái chế là đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Tấm pin năng lượng mặt trời đã qua sử dụng phải thu hồi, tái chế

Trước ý kiến của cử tri tỉnh Bình Thuận về việc đề nghị các ngành chức năng nên có báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng có gây ô nhiễm môi trường không và xử lý như thế nào cho nhân dân yên tâm.

Trả lời kiến nghị này, Bộ TN&MT cho biết, trong thời gian gần đây, do nhu cầu sử dụng điện năng lớn nên đã có nhiều dự án điện năng lượng mặt trời được triển khai tại khu vực miền Trung và miền Nam nước ta.

Về tổng thể, pin năng lượng mặt trời thải bỏ nếu chôn lấp không đúng quy định thì có khả năng gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng hoặc phát sinh khí thải độc hại có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người trong trường hợp xảy ra cháy.

Tuy nhiên, tấm pin năng lượng mặt trời thực chất là sản phẩm có chức năng hấp thu năng lượng từ ánh sáng mặt trời (quang năng) và chuyển hóa thành điện năng, khác về tính chất với các loại pin, ắc quy khác là có chức năng tích điện. Do vậy, tấm pin năng lượng mặt trời thải không thuộc các loại pin, ắc quy thải có mã số CTNH 19 06 01, 19 06 02, 19 06 04 và 19 06 05 được quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại và không thuộc danh mục sản phẩm thải bỏ quy định tại Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng pin năng lượng mặt trời phải thực hiện quy định về trách nhiệm của chủ nguổn thải quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

Theo đó, tại Điều 7, Điều 16 và Điều 30 Nghị định số 38 có quy định rõ trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt và trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Riêng đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng chất thải nguy hại phải báo cáo và quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều7 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP. Các chủ nguồn thải có trách nhiệm thực hiện phân định và phân loại tấm pin năng lượng mặt trời quy định tại mục 3 của QCVN 07:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại để quản lý cho phù hợp như tái sử dụng, tái chế, xử lý hoặc chuyển giao cho các cơ sở có chức năng phù hợp để tái chế, xử lý theo đúng quy định.

Để có cơ sở pháp lý đảm bảo việc xử lý pin mặt trời thải bỏ, Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, đưa sản phẩm tấm pin mặt trời vào danh mục các sản phẩm mà các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện thu hồi, tái chế tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, dự kiến trình Chính phủ ban hành trong tháng 9/2021.

PV

Exit mobile version