Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

PHÁT BIỂU CỦA THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH VỀ ĐIỀU HÀNH KINH TẾ VĨ MÔ TẠI PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ CHUYÊN ĐỀ NGÀY 22/9

Ngày 22/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trước việc tăng lãi suất của Hoa Kỳ, các nước Châu Âu và các nước khác. Xin trân trọng giới thiệu phát biểu kết luận của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này. 

“Trước hết, tôi hoan nghênh và đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội đã chuẩn bị khá kỹ và báo cáo rõ những vấn đề trọng tâm về điều hành kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay.

Chính phủ thống nhất cao nội dung báo cáo và kiến nghị của các bộ, ngành. Do thời gian không có nhiều, tôi không nêu lại toàn bộ mà nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm sau:

  1. Về bối cảnh tình hình

Hầu hết các nước trên thế giới đều có lạm phát tăng cao và tăng trưởng suy giảm (Hoa Kỳ, EU, Anh, các nước trong khu vực).

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nước đã thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng, hạ lãi suất, đưa tiền mặt ra hỗ trợ người dân. Điều đó dẫn đến hệ lụy lạm phát tăng cao.

Để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, các nước phải sử dụng công cụ lãi suất, thông qua tăng lãi suất để hút tiền về; đồng thời thu hẹp các chính sách tiền tệ, tài khóa.

Đêm qua, Hoa Kỳ vừa tăng lãi suất 0,75% (sau 2 lần tăng liên tiếp 0,75% trước đó) đưa lãi suất điều hành lên mức 3-3,25%. Nhiều quốc gia, đối tác lớn của ta đều tăng lãi suất (trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (EU) cũng đã tăng lãi suất 0,75%)…

Việc tăng lãi suất và thu hẹp các chính sách tiền tệ, tài khóa lại có nhiều tác động tiêu cực, dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, nguy cơ suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng. Đồng USD tăng giá dẫn đến sự giảm giá của các đồng tiền chủ chốt khác và tiềm ẩn rủi ro tiền tệ, tỷ giá ở nhiều quốc gia, khu vực.

Chỉ số đồng USD tăng mạnh nhất trong 38 năm qua: tăng 19% so với cùng kỳ và 15% so với cuối năm 2021; nhiều đồng tiền phá giá ở mức báo động: đồng Euro giảm 11,8%, Bảng Anh giảm 15,5%, Yên Nhật giảm 24,3%, Nhân dân tệ giảm 10,2%…

  1. Tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta

* Tình hình thế giới biến động mạnh có tác động ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta, trong đó:

– Quy mô kinh tế còn khiêm tốn, độ mở của nền kinh tế cao (200%GDP), sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Thực trạng này dẫn đến chỉ một biến động nhỏ của thế giới có thể gây tác động lớn đến tình hình kinh tế – xã hội trong nước.

Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam có xu hướng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và sản xuất kinh doanh trong nước.

– Tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, giá trị tiền đồng Việt Nam. Điều hành tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, nhiều đồng tiền phá giá ở mức cao là một thách thức rất lớn để có thể thực hiện được mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

* Công tác chỉ đạo điều hành vĩ mô nói riêng và phát triển KTXH nói chung sẽ ngày càng khó khăn hơn. Đặc biệt, đối với các chính sách kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cần phải xem xét, tính toán, cân nhắc kỹ trên nhiều phương diện (cả tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài và bên trong).

  1. Mục tiêu, quan điểm chỉ đạo điều hành vĩ mô từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ thống nhất:

(1) Định hướng chỉ đạo điều hành: Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bám sát chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, tập trung thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

(2) Phương châm chỉ đạo điều hành: Không mất bình tĩnh, hoang mang, dao động. Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Phải chủ động nắm tình hình, bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh để tỉnh táo xác định mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, phù hợp, hiệu quả trong điều hành phát triển kinh tế – xã hội. Càng áp lực cao, càng khó khăn thì càng phải nỗ lực, cố gắng, “biến nguy thành cơ”; xác định công việc trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên hợp lý, linh hoạt, hiệu quả.

(3) Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương:

– Thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các quan điểm chỉ đạo điều hành và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

– Trong đó, tôi nhấn mạnh quan điểm: Chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn theo hướng: (1) Bảo đảm ổn định trong điều kiện bất định; (2) Giữ thế chủ động trước những diễn biến phức tạp, bất ngờ, khó lường; (3) Kiên định, nhất quán, phù hợp, hiệu quả trước sự biến động, tác động nhiều chiều từ thế giới và trong nước; (4) Kiểm soát rủi ro, kịp thời ứng phó với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng; (5) Tạo dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập sâu rộng.

  1. Về định hướng chính sách vĩ mô

NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát và thực hiện các mục tiêu đề ra. Lựa chọn phân bổ vốn tín dụng hợp lý, hiệu quả, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.

NHNN nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị để tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.

Đẩy mạnh và giảm thủ tục cho vay hỗ trợ lãi suất 2%; tăng cường thông tin, truyền thông để nhân dân hiểu, tin tưởng, chia sẻ và ủng hộ các chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách tiền tệ, tín dụng.

Bộ Tài chính chủ trì tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất giảm thuế, phí, lệ phí theo thẩm quyền và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước; phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh thu hút đầu tư chất lượng cao. Tập trung đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

  1. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để tạo nền tảng vật chất cho ổn định kinh tế vĩ mô

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Đẩy mạnh tham ga các chuỗi giá trị toàn cầu về lúa gạo, trái cây, thủy sản với tinh thần làm đủ ăn và có xuất khẩu với chất lượng, hiệu quả cao.

Bộ Công Thương chủ trì thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước, mở rộng thị trường quốc tế, đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ; bảo đảm tuyệt đối an ninh nguồn cung và kiểm soát tốt giá năng lượng (điện, xăng dầu). Tinh thần là phải bảo đảm xuất đủ nhập và có thặng dư thương mại bền vững; thúc đẩy cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì đẩy mạnh phát triển thị trường lao động ổn định, an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo đảm đủ lao động, không để thiếu hụt lao động làm gián đoạn sản xuất kinh doanh; thúc đẩy mạnh mẽ đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao. Tiếp tục làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đạo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định FTA và hội nhập; tăng cường ngoại giao kinh tế, tạo thế đan xen lợi ích.

Bộ Xây dựng rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; có giải pháp phát triển thị trường BĐS lành mạnh, hiệu quả, bền vững.

Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí nắm chắc tình hình để thông tin tuyên truyền khách quan, trung thực, chính xác, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

  1. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương:

– Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tiếp tục chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, kế hoạch của bộ, ngành, địa phương.

– Thúc đẩy cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu…

– Đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng thể chế, pháp luật; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

– Các đồng chí lưu ý: Đây chính là những yếu tố nền tảng để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững.”

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Exit mobile version