Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

Nguyên Bộ Trưởng Bộ năng lượng Vũ Ngọc Hải: Đường dây 500kv đã làm phải thật tốt, còn nếu bị xử lý tôi sẽ chịu trách nhiệm.

Sức khỏe ông Hải không còn được như trước, người kỹ sư năm nào còn lăn lộn trên công trường giờ một tuần phải 3 lần vào bệnh viện để lọc thận. Hai đầu gối cũng không còn chịu nghe lời ông. Nhưng trí nhớ của vị nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng vẫn vẹn nguyên, đặc biệt là khi nói về đường dây 500kV Bắc Nam.

“Cột điện này ở khu vực Tây Nguyên, còn đây là khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt chúc mừng sau khi tôi ra tù. Lúc này đường dây 500kV đã hoàn thành, đi vào vận hành ổn định” – ông Hải kể khi chậm rãi chỉ vào từng bức ảnh trong cuốn album.

Xem lại ảnh, ông Hải vẫn nhớ như in những ngày tháng hào hùng lịch sử và kể lại rất chi tiết các bức ảnh cho phóng viên. Ảnh: Phạm Hưng

Cứ thế, từng ký ức về việc “khai sinh” ra công trình đường dây 500kV Bắc – Nam ùa về với ông. Từ buổi họp được Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý chủ trương, cho đến những lần trình bày việc thực hiện công trình trước Bộ Chính trị, Quốc hội, các chuyên gia hay hình ảnh công nhân vận chuyển thiết bị trên đèo Lò Xo, vẫn hằn sâu đậm nét trong trí nhớ của ông Vũ Ngọc Hải.

Trên công trường, các kỹ sư, công nhân vất vả, cực khổ, thậm chí đổi cả máu và nước mắt để dựng từng cột điện, nối từng đường dây. Ở hậu trường, những người thực hiện dự án phải gỡ dần những trở lực của cơ chế, của nhận thức để thực hiện công việc “chưa từng có”.

Tổng Công trình sư đường dây 500kV cũng dành nhiều thời gian nhắc đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người bảo vệ chủ trương thực hiện dự án ngay từ đầu cho đến ngày đóng điện đường dây.

“Đó là may mắn đối với công trình đường dây 500kV, với ngành điện và với sự phát triển đất nước” – ông Hải hồi tưởng.

Phần còn lại là lịch sử. Công trình đường dây 500kV Bắc Nam đã được ghi nhận là “kỳ tích của thế kỷ XX của người Việt Nam” mở ra “kỷ nguyên mới cho ngành điện” nước nhà.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Hải nhiều lần dùng các từ “táo bạo”, “chưa từng có”, “tháo gỡ cơ chế” để kể về quá trình hình thành đường dây 500kV.

Gần hai giờ đồng hồ, chúng tôi ngồi nghe ông kể, phân tích những bài học kinh nghiệm về việc dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước qua việc xây dựng công trình đường dây 500kV. Có cả những câu chuyện lần đầu ông mới kể với báo chí…

 

1.Chủ trương táo bạo, công trình chưa từng có

Ông Vũ Ngọc Hải bắt đầu câu chuyện với chúng tôi sau một lúc bồi hồi cảm xúc:

– Thời kỳ đó, ở ba miền có ba lưới điện, có nơi thừa điện, nơi thiếu điện. Miền Trung có một số điểm phát điện bằng diesel. Đến năm 1990, miền Trung nhận được điện từ miền Bắc chuyển vào qua đường dây Đồng Hới – Huế – Đà Nẵng. Còn miền Nam, chỉ có Nhà máy Thủy điện Trị An công suất 440MW, thủy điện Đa Nhim 100MW và một số cơ sở phát điện bằng diesel như Trà Nóc, Thủ Đức…

Tổng công suất điện cả miền Trung và miền Nam hồi đó chỉ khoảng trên 1.000MW. Miền Nam khi đó vẫn phải cắt điện luân phiên. Trong khi đó, từ khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hoạt động tổ máy số 4, miền Bắc thừa điện.

Sản lượng 8 tỷ kWh/năm, miền Bắc chỉ dùng hết 5 tỷ kWh. Trong quy hoạch của chúng tôi, đến năm 1995 – 1996 mới bắt đầu xây dựng lưới điện nối miền Nam miền Bắc.

Lúc đó, có phương án được đưa ra là: Miền Bắc thừa điện có thể bán sang Trung Quốc, miền Nam đang thiếu điện có thể nhập cấp tốc diesel để sản xuất điện. Nhưng phương án này bị bác bỏ ngay.

Vì sao, thưa ông?

– Nếu bán điện sang Trung Quốc, không được lợi về mặt giá điện và đến lúc ta cần cung ứng trong nước, chả lẽ lại cắt của họ? Thứ hai, giá diesel lúc đó rất đắt, để xây dựng thêm nhà máy cũng tốn kém. Thực ra, thời điểm đó chúng tôi đã đề xuất xây dựng thêm một nhà máy nhiệt điện trong miền Nam nhưng chưa được chấp thuận.

Quá trình thực hiện đường dây 500kV. Ảnh tư liệu NVCC

Vậy ai đã đưa ra đề xuất xây dựng đường dây 500kV Bắc – Nam, thưa ông?

– Quý IV năm 1991, tôi thay mặt Bộ Năng lượng trình lên Thường trực Chính phủ, có cả ông Võ Văn Kiệt và ông Trần Đức Lương nhiều vấn đề, trong đó có việc đề xuất xây dựng đường dây cao áp đi miền Nam.

Anh Sáu (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – PV) hỏi: Thế à, làm mạnh thế à?

Tôi đáp: Không có cách nào tốt hơn. Bây giờ chúng ta bán điện sang Trung Quốc, rồi lại nhập diesel giá cao bán điện cho người dân miền Nam. Thế là chúng ta có tội. Tôi đề nghị với anh phải quyết thôi.

Anh Sáu cười bảo: Được, đồng ý!

Đây là một chủ trương táo bạo, vì chưa làm bao giờ, đòi hỏi kỹ thuật cao. Thủ tướng nhất trí với đề xuất và bảo tôi đợi lấy ý kiến tập thể.

Đến Tết nguyên đán, đầu năm 1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố cho làm đường dây nhưng chỉ cho làm trong 2 năm. Bởi thật ra, theo dự đoán lúc đó, chỉ trong 2 năm nữa miền Nam sẽ thiếu điện nghiêm trọng. Nếu không làm trong 2 năm sẽ không giải quyết được điện cho miền Nam.

Nhưng với một công trình mới, chủ trương táo bạo chưa làm bao giờ, thật là một vấn đề khó! Mục tiêu lúc đó là làm trong 2 năm, không làm được là thất bại.

 

  1. Không thành công, Thủ tướng cũng sẽ từ chức

Chủ trương táo bạo này có làm ông thấy áp lực?

– Lo chứ, sao không lo được. Nói thật, anh em trong ngành sợ lắm, 2 năm sợ không kịp. Chính phủ duyệt rồi, chúng tôi phải quyết tâm. Tôi nói với anh em, không có cách gì khác hơn, mục tiêu là đưa điện vào miền Nam, không đạt được mục tiêu thì không có nghĩa lý gì cả. Nói thế rồi, chúng tôi quyết tâm. Không chỉ chúng tôi quyết tâm, các bộ ngành khác cũng đồng tình, tham gia hỗ trợ.

Lúc đó, công trình còn chưa có luận chứng kinh tế kỹ thuật, nghĩa là cũng chưa có thiết kế, vậy mà phải làm trong 2 năm. Công trình được Bộ Chính trị thông qua vào tháng 1/1992. Đến ngày 25/2/1992, Chính phủ phê duyệt Luận chứng kinh tế- kỹ thuật.

Tôi huy động tất cả các chuyên gia trong ngành để làm công trình này và cho phép thực hiện theo phương thức khảo sát, thiết kế, nhập vật tư thiết bị và thi công thực hiện song song.

Nhưng chủ trương này cũng bị nhiều ý kiến phản đối dữ dội thời điểm đó, thưa ông?

– Tất nhiên, trong quá trình xây dựng đường dây 500kV cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Đặc biệt là có một vị Giáo sư từ nước ngoài viết thư gửi cho Bộ Chính trị phản đối đề xuất xây dựng đường dây 500kV. Vị Giáo sư này cho biết việc xây dựng đường dây 500kV dài hơn 1.500km sẽ gặp vấn đề 1/4 bước sóng.

Nếu điện từ ở Hà Nội đang ở mức cực tiểu, khi vào đến miền Nam sẽ vọt lên cực đại và ngược lại, nếu ở Hà Nội cực đại thì vào trong đó có thể bằng không. Nghĩa là không thể nào được điện vào đến miền Nam được.

Ngoài ra, trên thế giới không có nước nào làm được dây dài như thế trong 2 năm, hiệu quả kinh tế cũng không cao. Thư của vị Giáo sư cũng khiến nhiều thành viên Bộ Chính trị cũng băn khoăn.

Rồi vấn đề tài chính cũng là một việc rất táo bạo, thời điểm đó giao thời từ bao cấp với kinh tế mở. Tiền ở đâu để làm trong khi dự án còn chưa có kế hoạch về tài chính?

Thủ tướng Võ Văn Kiệt bấm nút để đường dây 500kV hoà vào lưới điện quốc gia. Ảnh tư liệu NVCC

Những người thực hiện công trình đã làm thế nào để vượt qua những nghi ngại, phản đối đó?

– Ông Kiệt có hỏi tôi, tôi trả lời ngay: Việc thực hiện trong 2 năm là làm được, còn 1/4 bước sóng thì chúng tôi đặt trạm bù (bù dọc, bù ngang). Đó là phương án tốt nhất.

Vấn đề 1/4 bước sóng đã được Công ty tư vấn thiết kế đường dây cao áp (Pacific Power International – PPI) của Úc và các chuyên gia của Bộ Năng lượng giải quyết. Các chuyên gia này đã thiết kế thêm các trạm bù đặt dọc đường dây. Mục đích của trạm bù là nơi nào dòng điện lên cao sẽ kéo xuống. Ngược lại, nơi nào điện yếu trạm bù này sẽ bổ sung để điện áp của dòng điện luôn ổn định.

Có lần Thủ tướng hỏi là kinh phí thế nào, tôi nói là không có dự án nào tiền được cấp tốt như thế. Sau đó, tôi quay ra bảo với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế là anh còn nợ tôi 50 tỷ đồng đấy nhé. Ngay hôm sau ông Hồ Tế đã chuyển đủ cho tôi 50 tỷ đồng.

Có nhà khoa học còn nói với tôi rằng anh phát điện không ổn định, khi tổ máy của Hoà Bình sập thì mạng lưới điện của anh cũng sập. Tôi có nói với nhà khoa học này là tất cả đã được tính toán kỹ rồi, không thể sập được.

Chúng tôi quyết tâm làm nhưng không phải chỉ dựa vào ý chí, tất cả đều được tính toán và có đưa ra giải pháp thực hiện. Mục tiêu hoàn thành trong 2 năm là rất khó, nhưng không phải không thể làm được.

Bên cạnh việc Bộ Năng lượng huy động toàn bộ lực lượng, các bộ ngành khác và địa phương cũng chung tay quyết tâm thực hiện công trình. Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính… đều sẵn sàng tham gia.

Tôi nói với anh em, việc rất khó nhưng không phải không có giải pháp. Chúng ta phải tìm được giải pháp làm trong 2 năm. Nhưng làm công trình này phải chất lượng. Để đảm bảo mục tiêu chất lượng, chúng tôi mời chuyên gia nước ngoài để có thêm kinh nghiệm của các nước phát triển.

Ngoài ra, chúng tôi bố trí cứ 10km có một kỹ sư giám sát. Chúng tôi chỉ nhập thiết bị tốt từ Châu Âu, Nhật Bản, Pháp, Mỹ…

Sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tin tưởng, bảo vệ chủ trương thực hiện dự án, ông có phải giải thích nhiều lần trước các cơ quan chức năng nữa không?

– Phải nói rằng, không có Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì chúng tôi không làm được đường dây 500kV. Chỉ có sự quyết liệt của ông Kiệt mới có thể có đủ các điều kiện, kinh phí để làm tốt. Được Thủ tướng tin tưởng rồi, chúng tôi cứ thế bắt tay vào làm.

Qua lời kể của ông, có thể thấy rằng, ở thời điểm đó chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng phải vượt qua những trở lực về cơ chế, về nhận thức xung quanh để thực hiện công trình này?

– Thủ tướng có nói với tôi nếu đường dây 500kV không thành công thì tôi sẽ từ chức. Tôi có nói với anh em ngành điện là ông Kiệt phát biểu như thế đấy. Chúng tôi càng quyết tâm hơn. Ngoài ra, trong quá trình làm, có nhiều người ở miền Nam gọi điện ra nói là trong đó đang rất thiếu điện, càng giúp chúng tôi có thêm động lực để quyết tâm hơn.

Thực ra, Thủ tướng Võ Văn Kiệt không phải chuyên gia ngành điện. Nhưng Thủ tướng hiểu rằng không có năng lượng, không có điện thì không thể phát triển kinh tế được. Do đó, Thủ tướng rất ủng hộ và được Thủ tướng hỗ trợ nên công trình gặp nhiều may mắn.

Vậy thưa ông, phải chăng cơ chế thực hiện công trình phải có những đột phá nhất định?

– Nói thẳng ra, có những việc khi đó còn chưa có cơ chế gì cả. Thủ tướng giao việc, Chúng tôi – gồm các Bộ, ngành tự thống nhất với nhau. Tất cả chạy đua với thời gian, đảm bảo về chất lượng. Các kỹ sư luôn bám sát để giám sát công trình. Từ khi đóng điện đến nay, chưa có cơn bão nào đánh đổ được cột điện cả.

Hay như lần đi thăm công trường trên đèo Lò Xo, Thủ tướng thấy công nhân có nhiều khó khăn. Tôi xin anh cơ chế. Ông Kiệt nói ngắn gọn Bộ Năng lượng và Bộ Y tế tính cơ chế để tôi giải quyết. Sau đó, anh em làm việc trên rừng được bổ sung thêm thực phẩm, dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe làm việc.

 

  1. Làm vì Đất nước

Để thực hiện công trình này, chúng tôi biết rằng ông và các đồng nghiệp đã gặp phải rất nhiều trắc trở. Những việc lần đầu tiên là chưa từng được kiểm chứng trong lịch sử khiến nhiều người nghi ngờ về tính khả thi. Những quyết định ở thời điểm đó, như ông nói còn chưa có cơ chế, chắc hẳn sẽ gây ra nhiều tranh cãi?

– Lúc đó, chúng tôi chọn toàn thiết bị của các nước Châu Âu, các nước tiên tiến phát triển, không chọn thiết bị của Trung Quốc… Việc lựa chọn thiết bị này không phải ai cũng đồng tình. Có người bảo nếu làm như tôi, nhiều người sẽ phản đối. Tôi xác định nếu bị xử lý tôi chịu trách nhiệm, nhưng đã làm thì phải làm cho thật tốt.

Theo ông Hải, khi đó Thủ tướng rất quyết tâm và ủng hộ xây dựng công trình đường dây 500kV vì nếu không cung cấp đủ điện cho miền Nam thì sẽ không thể phát triển được kinh tế. (Ảnh tư liệu NVCC)

Khi ấy, tôi nhìn thấy nhiều công trình dùng thiết bị của Trung Quốc có chất lượng không cao. Khi đấu thầu, Chính phủ giao cho Bộ Năng lượng và Bộ Kinh tế. Thiết kế đến đâu, đấu thầu và thi công triển khai đến đấy, vì chỉ làm trong 2 năm.

Hai Bộ thống nhất chất lượng, nên chọn các nước có truyền thống về thiết bị. Ví dụ, Pháp có truyền thống về sứ thuỷ tinh; Nhật có truyền thống về dây cáp điện, có những loại máy cắt phải chọn Thụy Điển…

Liên quan đến việc cung cấp thiết bị, cuối cùng cũng khiến ông rơi vào vòng lao lý như ông đã “lường trước” với anh em?

– Việc cũng đã qua rồi, tôi cũng không muốn nhắc lại nhiều. Nhưng cái chuyện đi tù của tôi vô lý, chưa bao giờ tôi nhận là có tội, chỉ nhận là chấp hành nghiêm túc quy định của Trại.

Việc tôi đi tù ai cũng biết và Thủ tướng, Phó Thủ tướng cũng vào thăm tôi trong tù, không có Bộ trưởng nào không đi thăm. Thậm chí cả mấy ông ở Viện Kiểm sát buộc tội tôi cũng vào thăm và động viên, chia sẻ với tôi.

Nếu quay ngược thời gian, được lựa chọn lại, ông có chọn công việc khó khăn này không?

– Khi đó, tôi phải thức cả đêm, vợ tôi không hài lòng đâu, còn hỏi làm gì mà nhiều thế, đi ngủ đi. Tôi nghĩ, mình bỏ công sức, vất vả, quyết tâm làm công trình chưa có bao giờ. Công trình này vì đất nước thì mình phải quyết tâm thôi. Tôi vẫn sẽ làm.

Đến nay, công trình đường dây 500kV đã được ghi nhận thành công, ông thấy điều gì ấn tượng nhất?

– Tôi đã nói, công trình này may mắn có ông Võ Văn Kiệt. Khi bắt tay thực hiện, vướng ở đâu đều được các Bộ, ngành, địa phương chung tay giúp đỡ.

Nếu không có lực luợng của Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông, Bộ Tài chính, … rồi các địa phương cử người lao động đến công trường, làm sao làm được trong 2 năm.

Tôi nhớ ở Quảng Bình, bà con công giáo ghép hàng trăm chiếc thuyền để kéo đường dây qua sông Gianh. Họ rất nhiệt tình, thấy được việc đó có ích cho đất nước nên hăng hái tham gia.

Hay như ở TPHCM, tôi gặp đồng chí Bí thư Thành ủy Trương Tấn Sang đề nghị về tiến độ giải phóng mặt bằng. Ông cho biết ngay ngày hôm sau sẽ cho giải quyết.

Có thể nói, trên công trường, chúng tôi yêu cầu làm nhanh, làm chất lượng nên anh em thiết kế, giám sát, công  nhân thi công vất vả lắm.

Có thể nói, đây là công trình có cả trí tuệ, có cả kỹ thuật và ý chí đoàn kết. Khi chúng ta làm được trong 2 năm, các chuyên gia thế giới cũng phải ngạc nhiên.

Nếu khi đó không quyết tâm làm thì không có những đường dây tiếp theo thứ 2, thứ 3, thành mạng lưới rất lớn như hiện nay.

– Xin trân trọng cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này và chúc ông luôn thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc.

Ông Trần Viết Ngãi, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Làm trong 730 ngày đêm với ý chí và tinh thần sắt đá

Thời điểm chuẩn bị quyết định chủ trương đầu tư xây dựng đường dây 500 kV Bắc – Nam cũng có những quan điểm trái chiều ở các cấp lãnh đạo quản lý và cả những nhà khoa học. Tuy nhiên, bác Đỗ Mười lại rất ủng hộ nên đã tạo động lực cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có những quyết định táo bạo, mạnh mẽ để xây dựng công trình đường dây 500kV được coi là công trình “thế kỷ” của Việt Nam và thậm chí là cả thế giới.

Tôi còn nhớ, khi đó nhận ý kiến chỉ đạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải cùng Bộ Năng lượng đã họp và triển khai ngay. Cho tìm hiểu trên thế giới đã ai làm chưa, nếu có thì chọn đơn vị tư vấn nào để có thể thiết kế xây dựng công trình như thế. Dù khi đó cũng có không ít những ý kiến trái chiều, nhưng bằng sự quyết tâm và ý chí sắt đá, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo quyết liệt để thực hiện được dự án đúng như cam kết về tiến độ trong vòng 2 năm.

Trong 730 ngày đêm xây dựng công trình, gian nan vất vả không thể nói hết bằng lời, chỉ biết rằng hàng vạn con người đã làm việc bằng tinh thần và ý chí sắt đá, một quyết tâm cao như đỉnh Trường Sơn hùng vĩ để hoàn thành một công trình thế kỷ.

_______________________________________________

Ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng: Thành công của công trình thế kỷ là nhờ những ý tưởng táo bạo, đột phá

Ở thời điểm đó, tôi đang là Trợ lý của Bộ trưởng Bộ Năng lượng – ông Vũ Ngọc Hải. Ông Vũ Ngọc Hải khi đó đã thay mặt Bộ Năng lượng trình đề án xây dựng hệ thống đường dây 500 kV Bắc – Nam. Một ý tưởng táo bạo và đột phá, sau đó đã được Chính phủ đồng ý và đặc biệt là sự ủng hộ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Với cố thủ tướng Võ Văn Kiệt thì các đồng chí biết rồi, đích thân cố Thủ tướng đã rất quyết tâm và trực tiếp chỉ đạo xây dựng công trình này. Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc quá trình xây dựng đường dây 500kV để hoàn thành trong 2 năm theo đúng cam kết của Quốc hội.

Theo tôi, để có được một hệ thống điện thống nhất toàn quốc như hiện nay, được liên kết bằng mạng lưới cao áp 500 kV Bắc – Nam chính là nhờ có những ý tưởng táo bạo và sự quyết tâm, ý chí mạnh mẽ của những tư lệnh ngành và của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thời bấy giờ. Chúng ta rất tự hào là đã xây dựng được một đường dây 500kV mang tầm thế kỷ bằng những ý tưởng táo bạo, đột phá và sự quyết tâm không chỉ của ngành điện mà của cả hệ thống chính trị.

 PV

Theo Dân Việt

Exit mobile version