Giá xăng dầu ở mức cao đã làm chi phí đầu vào tăng cao khiến các dịch vụ, phí, cước vận tải cũng như giá cả thực phẩm tăng theo gây khó khăn cho doanh nghiệp và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Xe khách chạy liên tỉnh tại Bến xe phía Bắc thành phố Vinh
Tại Bến xe chợ Vinh có hơn 80 đầu xe khách liên tỉnh và nội tỉnh đang hoạt động, ngoài ra có khoảng 150 lượt xe tải vào chở hàng mỗi ngày. Đối với xe khách, ngoài tuyến nội tỉnh từ Vinh đi các huyện tuyến Quốc lộ 48, và ngoại tỉnh chủ yếu xe đi các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Trước tình hình giá xăng dầu tăng cao, nhiều tuyến xe khách ngoại tỉnh đã buộc phải điều chỉnh cắt giảm số lượng đầu xe, hoặc kết hợp chở hàng hóa. Vì thế, tại Bến xe chợ Vinh, trong số 80 xe đăng ký hoạt động vào thời điểm trước đây, nay chỉ còn khoảng 50 xe là đang hoạt động cầm chừng.
Anh Hồ Quang Hiếu, một lái xe khách tuyến Vinh – Quảng Bình cho biết, công ty của anh có 6 xe chạy từ Vinh – Đồng Hới và ngược lại, hiện nay do giá xăng dầu tăng cao khiến cho công ty phải giảm bớt đầu xe. Thay vì mỗi đầu 3 chuyến xe vào – ra mỗi ngày thì nay đã cắt giảm xuống còn một nửa, đồng thời điều chỉnh tăng giá vé. Tuy nhiên, do lượng khách không tăng và dù đã phải vận chuyển thêm hàng hóa nhưng nhiều chuyến phải bù lỗ.
Việc xăng, dầu tăng giá đã tác động rất lớn đến ngành vận tải, nhất là vận tải hàng hóa và vận tải hành khách. Mặc dù các doanh nghiệp, đơn vị vận tải đã cố gắng cắt giảm nhiều chi phí không cần thiết để ổn định giá vé, giá cước, nhưng trên thực tế rất khó thực hiện. Bởi mỗi chuyến xe, ngoài chi phí xăng, dầu, còn phải thêm chi phí trả lương cho lái xe, hao mòn phương tiện, bên cạnh đó không phải chuyến xe nào cũng đầy khách mà lượng khách cũng rất thất thường.
Theo thống kê ban đầu từ Sở Giao thông vận tải Nghệ An, hiện nay đã có 6 doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh làm đơn xin điều chỉnh giá cước. Việc các doanh nghiệp điều chỉnh giá cước được thực hiện theo Thông tư 233/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, trước khi điều chỉnh phải có tờ trình và được Sở Tài chính chấp thuận. Việc điều chỉnh giá cước đang được các cơ quan liên quan cân nhắc. Sau khi việc điều chỉnh giá được thông qua thì các đơn vị vận tải mới được phép áp dụng, nếu tự ý điều chỉnh giá sẽ bị xử lý theo quy định.
Việc điều chỉnh giá xăng dầu thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang đứng ngồi không yên, bởi bị ảnh hưởng giảm đơn hàng do giá cước tăng cao so với bình thường. Chị Đặng Thị Tâm, Giám đốc Công ty An An Agri cho biết, xăng tăng giá đã làm cho chi phí vận chuyển hàng hoá tăng cao dẫn đến giá thành sản phẩm tăng. Tuy nhiên, để tiếp tục kích cầu tiêu dùng, công ty cũng tung ra các chương trình khuyến mại đối với khách hàng đặt nhiều hàng hoá trong một đơn hàng nhằm giảm chi phí vận chuyển.
“Hiện doanh nghiệp có biện pháp kích cầu bằng việc khuyến khích khách hàng nhập hàng với số lượng lớn hơn, cùng với đó là tăng các chương trình khuyến mại nếu các đơn hàng của các đối tác tăng số lượng hàng nhập trong 1 lần, điều này sẽ khiến giá cước vận chuyển giảm đi trên cùng 1 chuyến hàng”, chị Đặng Thị Tâm chia sẻ.
Các dịch vụ khác như shipper, xe ôm… trên địa bàn thành phố Vinh hiện cũng phải tăng giá cước để thích ứng với việc xăng dầu tăng cao.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, shipper tự do trên địa bàn thành phố Vinh cho biết: “Giá xăng tăng cao nên giá cước cũng phải tăng thêm từ 5.000 – 10.000 đồng/đơn, tùy vào cung đường. Bên cạnh đó, nếu như ngày trước tôi thường ship hàng theo từng đơn lẻ thì nay buộc phải gom đơn đi một lượt để định hình quãng đường đi, sao cho ngắn nhất để tiết kiệm nhiên liệu, chứ giá xăng thế này không kham nổi…”.
Theo nhiều người dân, việc điều chỉnh giá xăng, dầu gần đây đã ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, khi mà nhiều hàng hoá được điều chỉnh tăng giá do tác động của giá xăng tăng. Do đó nhiều gia đình buộc phải cân đối lại tài chính và thắt chặt chi trong tiêu dùng hàng ngày.
“Trung bình mỗi ngày đi chợ tôi chi tiêu 120-150.000 đồng nhưng nay phải chi lên tới hơn 200.000 đồng/ngày. Tương tự, trước đây tôi đổ 100.000 là đầy bình xăng xe, nhưng bây giờ đầy bình phải thêm từ 30.000-50.000 mới đầy được bình. Với tình trạng này buộc tôi phải thắt chặt lại chi tiêu trong gia đình và chỉ mua những vật dụng thực sự cần thiết ”, chị Hoàng Phương, thành phố Vinh cho biết.
Tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Vinh, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, rau xanh, hoa quả đã có biến động về giá. Trung bình các mặt hàng, giá cả đều tăng từ 5 – 20% do ảnh hưởng của giá xăng dầu.
Tại một số cửa hàng ăn uống trên địa bàn thành phố Vinh đều đã tăng nhẹ giá thành các món ăn kể từ thời điểm giá xăng dầu lập đỉnh chiều 11/3. Mặc dù vậy, nhiều thực khách cũng chấp nhận vấn đề này vì thực tế mức tăng không quá cao, đồng thời cũng là cách để chia sẻ cùng các hộ kinh doanh trong mùa dịch.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường và các địa phương, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa phát hiện hành vi vi phạm về đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, các cửa hàng tự ý nghỉ bán hàng mà không có lý do chính đáng. Để nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, đảm bảo duy trì việc cung ứng, bình ổn thị trường mặt hàng xăng dầu trong nước thời gian tới, Sở Công Thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
“Bên cạnh công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng phương án đảm bảo và công khai nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước trên địa bàn trong thời gian tới; duy trì hoạt động tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cung ứng kịp thời, đầy đủ xăng dầu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trên địa bàn”, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An khẳng định.
Nguyễn Sơn