Trong ba ngày, từ 5 đến 7 tháng 10 năm 2021, tại Tòa nhà Dầu khí, số 18 Láng Hạ, Hà Nội, Hội đồng Năng lượng Thế giới tại Việt Nam (WEC Việt Nam) đã tổ chức Diễn đàn trực tuyến Cộng đồng Năng lượng Việt Nam và Thế giới và tham gia đồng hành chương trình Tuần lễ Năng lượng Thế giới với Chủ đề “Kết nối các xã hội năng lượng – Năng lượng cho cuộc sống tốt đẹp hơn” do Hội đồng Năng lượng Thế giới (World Energy Council viết tắt là WEC) tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên phía Việt Nam tham gia sự kiện quan trọng này với tư cách là thành viên Hội đồng Năng lượng Thế giới.
“Tuần Năng lượng Thế giới” của WEC năm nay do nước Cộng hòa Kazakhstan làm chủ nhà với sự tham gia của đa số các quốc gia thành viên. Ngoài sự tham gia trực tuyến của Lãnh đạo nước chủ nhà, Hôi thảo cũng chứng kiến sự tham gia điều hành của ngài Shigeru Muraki, phó Chủ tịch đương nhiệm của WEC.
Chương trình nghị sự của “Tuần Năng lượng Thế giới” năm 2021 bao gồm các vấn đề mang tính cấp bách của thế giới. Đó là: Kết nối các xã hội năng lượng – Năng lượng cho cuộc sống tốt đẹp hơn, xúc tiến các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng nền công nghiệp Hydro xanh, những thách thức và kinh nghiệm của các quốc gia trong việc việc xây dựng nền kinh tế không Carbone và vấn đề áp dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực cho cho công cuộc cách mạng xanh, nhằm tiến tới đảm bảo an ninh năng lượng cho toàn cầu…
Trong phiên khai mạc sáng 5 -10 -2021, bà TitaThy Nguyễn, trưởng đại diện của WEC Việt Nam đã phát biểu chào mừng và giới thiệu về đại diện của Việt Nam trong Hội đồng Năng lượng Thế giới. Hôi thảo cũng đã được nghe phát biểu đề dẫn của ngài Shigeru Muraki, Phó Chủ tịch của Hội đồng Năng lượng Thế giới về những vấn đề cấp bách của các hoạt động năng lượng của các quốc gia thành viên và của thế giới. Điều đáng chú ý là, trong phát biểu của mình, ngài Shigeru Muraki đã trịnh trọng giới thiệu và chào mừng đoàn Việt Nam với tư cách là thành viên mới nhất của Hội đồng Năng lượng Thế giới.
Trong các phiên thảo luận tiếp theo, Hội thảo đã được nghe những tham luận có giá trị khoa học và thực tiễn cao trên khắp các châu lục như: Chính sách năng lượng và thách thức khử cacbon ở Nhật Bản”, “Viễn cảnh tuần hoàn kinh tế Các-bon ở Trung Đông và vùng Vịnh”, “Vận tải điện ở Bắc Mỹ, nhu cầu và thách thức”, “Chính sách chuyển đổi năng lượng tái tạo tại Hàn Quốc”, “Vai trò của khí đốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở Nga và Kazakhstan”, “Trung hòa carbon và năng lượng cho cuộc sống tốt đẹp hơn: cơ hội mới cho Kazakhstan”, “Quá trình khử cacbon: Thực tế ở châu Mỹ Latinh”, “Khả năng xây dựng một Châu Phi không carbone”…
Trong phiên bế mạc, Hội thảo đã được nghe phát biểu đặc biệt từ Tổng thư ký kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Năng lượng Thế giới, Tiến sĩ Angela Wilkinson.
Về phía Việt Nam, trước hết, trong lần ra mắt đầu tiên, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã giành cho đầu cầu Việt Nam một phòng họp khá trang trọng, (mà nhìn trong màn hình thì thấy không thua kém các thành viên khác trên thế giới). Về thành phần tham gia, chúng ta nhớ rằng, thời điểm tổ chức sự kiện cũng là những ngày Hà Nội đang thực hiện cách ly xã hội theo Nghị quyết 16. Theo đó các đại biểu đều phải tiêm đủ hai mũi vắc xin và test covid còn hạn trong thời gian 72 giờ. Rất may mắn là hầu như tất cả các vị đại biểu khách mời và Ban tổ chức sự kiện đều “vượt qua” sự kiểm tra kỹ càng của Tòa nhà. Vì vậy, Hội thảo vẫn có sự tham gia của Lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam, đại diện Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa hoc và Công nghệ, Ủy ban vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Các chuyên gia, thành viên của WEC Việt Nam và đông đảo các nhà khoa học, Doanh nghiệp trong nước, nước ngoài hoạt động trong ngành năng lượng.
Đoàn Việt Nam tham gia Diễn đàn với các tham luận quan trọng như: “Tập đoàn dầu khí Việt Nam với định hướng sản xuất và cung ứng với nguồn năng lượng “Hydro Xanh” trong tương lai” của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, “Định hướng phát triển lưới điện thông minh” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), “Thực trạng của ngành năng lượng hiện nay tại Việt nam”, “Đề xuất phát triển công nghệ Pin lưu trữ cho Năng lượng Tái tạo ở Việt Nam” của Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ (IRAT) và WEC Việt Nam, “An ninh Năng lượng tại Việt Nam”, “Đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo” của trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội…
Chúng tôi cho rằng, mặc dù mới tham gia lần đầu nhưng WEC Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá chu đáo về mọi mặt. Về nội dung, các bài tham luận của đại diện các tập đoàn, các nhà khoa học Việt Nam đều có chất lượng cao, mang hơi thở chung về các vấn đề của ngành năng lượng của các quốc gia trong Hội đồng Năng lượng Thế giới.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, WEC Việt Nam cần tăng cường nhân lực bao gồm các nhà khoa học có chuyên môn cao và cần nhận được sự đồng hành và hỗ trợ cần thiết từ phía các cơ quan chức năng, để trong tương lai không xa chúng ta có thể tham gia vào tất cả các mặt hoạt động của Hội đồng năng lượng thế giới. Tất cả những điều đó đều có lợi cho sự nghiệp phát triển ngành năng lượng Việt Nam.
Vài nét về Hội đồng năng lượng thế giới
Hội đồng Năng lượng Thế giới (WEC) là một diễn đàn toàn cầu về đa số các lĩnh vực trong ngành năng lượng. Ý tưởng thành lập Hội đồng đến từ Daniel Nicol Dunlop, một doanh nhân người Scotland vào những năm 1920. Ông muốn tập hợp các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về các vấn đề năng lượng hiện tại và tương lai. Ông đã tổ chức vào năm 1923 các ủy ban quốc gia đầu tiên, nơi tổ chức Hội nghị Điện lực Thế giới (WPC) đầu tiên vào năm 1924. Có 1.700 chuyên gia từ 40 quốc gia đã gặp nhau tại London để thảo luận về các vấn đề năng lượng. Cuộc họp đã thành công tốt đẹp và những người tham gia đã quyết định vào ngày 11 tháng 7 năm 1924 thành lập một tổ chức thường trực lấy tên là World Power Conference . Dunlop được bầu làm Tổng Thư ký đầu tiên của nó. Năm 1968, tên này được đổi thành Hội nghị Năng lượng Thế giới, và năm 1989 nó trở thành Hội đồng Năng lượng Thế giới.
Hội đồng Năng lượng Thế giới là mạng lưới công bằng chính của các nhà lãnh đạo và các nhà thực hành thúc đẩy một hệ thống năng lượng giá cả phải chăng, ổn định và nhạy cảm với môi trường vì lợi ích lớn nhất của tất cả mọi người. Được thành lập vào năm 1923, Hội đồng được Liên Hợp Quốc công nhận là cơ quan năng lượng toàn cầu, đại diện cho toàn bộ phổ năng lượng, với hơn 3.000 tổ chức thành viên đặt tại hơn 90 quốc gia và được thu hút từ các chính phủ, tập đoàn tư nhân và nhà nước, học viện, tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan đến năng lượng. Hội đồng Năng lượng Thế giới cung cấp thông tin về các chiến lược năng lượng toàn cầu, khu vực và quốc gia bằng cách tổ chức các sự kiện cấp cao, xuất bản các nghiên cứu có thẩm quyền và làm việc thông qua mạng lưới thành viên rộng lớn của mình để tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại chính sách năng lượng của thế giới. Ở khu vực Asean, các nước Indonesia, Malaysia, Thailand, Singapo đã tham gia WEC.
Hôi đồng Năng lượng Thế giới đã trải qua 8 nhiệm kỳ Tổng thư ký và Tổng thư ký hiện tại là bà Angela Wilkinson, người Anh.
Hội đồng Năng lượng Thế giới tổ chức Đại hội Năng lượng Thế giới, đây là sự kiện năng lượng lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới bao gồm tất cả các khía cạnh của chương trình nghị sự về năng lượng. Được tổ chức ba năm một lần, Đại hội cung cấp một nền tảng cho các nhà lãnh đạo và chuyên gia năng lượng trong tất cả các khía cạnh của ngành để giải quyết những thách thức và cơ hội mà các nhà cung cấp và người tiêu dùng năng lượng phải đối mặt. Hội nghị toàn thể gần đây nhất diễn ra tại Abu Dhabi (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất) từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 9 năm 2019. Theo lịch của WEC, Hôi nghị sắp tới sẽ diễn ra tại Saint Petersburg (Nga) vào năm 2022.
Một số hình ảnh
Bà Angela Wilkinson, chủ tịch WEC tại diễn đàn 2011 (Ảnh chụp màn hình)
Ngài Shigeru Muraki, Phó chủ tịch WEC (Ảnh lớn, bên trái, ảnh chụp màn hình)
Bà TitaThy Nguyễn và ông Phan Ngọc Trung Phó Chủ tịch PVN tại diễn đàn
Lê Hải Hưng, chuyên gia của WEC Việt Nam