Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

Hội thảo khởi động nghiên cứu xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia

https://hoichieusangvietnam.org.vn/wp-content/uploads/2023/05/v1_0905_06h00_bai_binh_luan_-_tknl_de_dam_bao_tieu_dung_95202311-1-1.mp3?_=1

Chiều 11/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Khởi động nghiên cứu xây dựng chương trình làm mát xanh quốc gia, hướng đến TKNL trong máy lạnh, điều hòa không khí.

Hội thảo Khởi động nghiên cứu xây dựng chương trình làm mát xanh quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) và Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của gần 150 đại biểu đến từ một số bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết bị làm mát.

Trong những năm qua, Việt Nam được ghi nhận là quốc gia đang phát triển có tỷ lệ đô thị hóa cao. Tính đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại. Cùng với tốc độ tăng trưởng đô thị tương đối cao, gia tăng dân số và thu nhập tăng, làm cho nhu cầu làm mát liên tục tăng. Hệ thống làm mát bao gồm điều hòa không khí, quạt gió và máy làm mát ước tính chiếm tới 40% nhu cầu điện dân dụng và 25-40% nhu cầu điện năng trong dịch vụ và thương mại/công cộng.

Tuy nhiên, các thiết bị làm mát thông thường, ví dụ như tủ lạnh, máy điều hòa không khí dân dụng, máy làm lạnh quy mô công nghiệp và các thiết bị khác là nguyên nhân gây ra phát thải khí nhà kính toàn cầu. Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính của Việt Nam năm 2016, các thiết bị làm lạnh và điều hòa không khí phát thải 28,7 triệu tấn CO2, chiếm 9% tổng lượng phát thải CO2 của cả nước (tổng lượng phát thải CO2 của Việt Nam năm 2016 là 316,7 triệu tấn).

Ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường – phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việc làm mát gián tiếp góp phần gây ra biến đổi khí hậu bằng cách tăng nhu cầu sử dụng điện (phần lớn vẫn được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch) và thông qua việc rò rỉ các chất gây suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính, vốn có khả năng gây nóng lên toàn cầu cao hơn nhiều so với phát thải CO2. Nếu không được kiểm soát, lượng khí thải từ quá trình làm mát dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và gấp ba lần vào năm 2100.

Việc làm mát hiệu quả, bền vững có thể giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam xóa đói giảm nghèo, giảm thất thoát lương thực, cải thiện sức khỏe, quản lý nhu cầu năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu”- ông Nguyễn Tuấn Quang nhấn mạnh.

Theo số liệu Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, ước tính Việt Nam sẽ thiệt hại hơn 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu, trong đó, tổn thất đối với ngành lạnh là 518 triệu USD. Đồng thời ngành làm mát là nguồn phát thải khí nhà kính tương đối lớn do tiêu thụ điện năng và là một trong các nguồn phát thải các chất làm suy giảm tầng ozone lớn nhất vào bầu khí quyển trái đất.

Dự án “Nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu để xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia” là một trong những hoạt động trọng tâm trong khuôn khổ hợp tác chuyển đổi năng lượng và giảm nhẹ khí nhà kính tại Việt Nam với Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) đã được đưa ra trong Biên bản ghi nhớ giữa Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Văn phòng Dịch vụ Dự án của Liên hợp quốc (UNOPS) vào ngày 21/6/2022. Dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược xanh, phát triển ngành làm mát với công nghệ phát thải carbon thấp hoặc bằng 0 cũng như sử dụng các chất thay thể các chất làm suy giảm tầng ozone để ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozone.

Dự án nhằm xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia toàn diện với lộ trình thúc đẩy sự chuyển đổi nhanh sang công nghệ carbon thấp, tăng cường tiết kiệm năng lượng và loại trừ dần các chất ODS và HFC trong toàn bộ ngành làm mát, góp phần hướng tới đạt được các mục tiêu đưa ra trong Cam kết quốc gia tự quyết định (NDC) mới nhất vào năm 2030, nỗ lực đang được thực hiện trong khuôn khổ Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) và trên hết là mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của đất nước vào năm 2050.

Chương trình sẽ giúp Việt Nam phát triển ngành làm mát với công nghệ phát thải carbon thấp hoặc bằng 0

Ông John Robert Cotton – Quản lý chương trình cấp cao, Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á khẳng định: Trọng tâm của Chương trình làm mát xanh quốc gia là tiết kiệm năng lượng, do vậy chương trình thiết kế để làm sao giảm phát thải khí nhà kính và đây là cơ hội tốt để Việt Nam đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tại hội thảo, các chuyên gia tư vấn đã giới thiệu dự án, các kết quả dự kiến và các kế hoạch triển khai thực hiện dự án. Theo đó, Cục Biến đổi khí hậu và UNOPS đã thống nhất thực hiện hoạt động “Nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu để xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia (NGCP)”.

Các nội dung chính của hoạt động này bao gồm: Tiến hành nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu để đánh giá hiện trạng, bao gồm: Công nghệ hiện có, tình trạng thị trường và các chính sách quốc tế/quốc gia đối với lĩnh vực làm mát tại Việt Nam. Dựa trên hiện trạng của lĩnh vực làm mát, đề xuất phương án xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang công nghệ hiệu suất năng lượng cao và carbon thấp, đồng thời tăng cường tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực làm mát.

Các kết quả của hoạt động nghiên cứu này sẽ cung cấp dữ liệu cần thiết để Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng trong quá trình xây dựng Kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2023.

https://congthuong.vn/

Exit mobile version