Giá xăng dầu trong nước đã giảm trong 02 kỳ điều chỉnh gần đây, nhưng mức giảm còn thấp so với áp lực đẩy của giá dầu thế giới và thuế môi trường giảm. Lý giải chính cho bài toán “Tăng sốc-giảm nhẹ” được Bộ Công Thương đưa ra có liên quan đến mức trích lập dự phòng để tạo Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG). Tuy nhiên, bản chất và cơ chế hoạt động của BOG thì không phải tất cả mọi người đều hiểu rõ.
Về lịch sử, sau khi giá xăng dầu được tuân theo nguyên tắc thị trường vào năm 2007, Quỹ bình ổn xăng dầu được hình thành với quyết định đầu tiên số 04/2009/QĐ-TTG ngày 09/01/2009 của thủ tướng chính phủ chấp thuận cho phép trích một khoản trước thuế thu nhập doanh nghiệp từ giá bán xăng dầu để hình thành; trong QĐ có giao Bộ Tài Chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương để đưa ra quy chế vận hành. Thời gian đầu, số tiền trích được đưa ra dự kiến là 500 đồng/lít tuy nhiên khi đưa vào hoạt động chính thức theo thông tư số 234/2009/QĐ-TTG, số tiền trích thực tế là 300 đồng/lít. Từ đó đến nay, số tiền trích có được thay đổi nhưng theo như thông tư mới nhất số 103/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 ban hành thì số tiền được trích lập vẫn là 300 đồng/lít.
Về mục đích, BOG được đưa ra giúp cơ chế “cân bằng tài chính” và điều hành thị trường phù hợp, tránh vấp phải những biến động và hậu quả không đáng có từ tác động tăng – giảm giá tức thời; BOG hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Hiện nay, trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam mà một số quốc gia khác cũng sử dụng và đưa vào hoạt động quỹ này nhưng hoạt động bằng nhiều cách khác nhau.
Về cơ chế hoạt động tại Việt Nam, BOG được lập tại doanh nghiệp ngay khi được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Sau đó DN có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về BOG tại các ngân hàng thương mại; có trách nhiệm thông báo đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định. DN có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai và quản lý theo quy định.
Tổng mức trích lập BOG trong kỳ được xác định bằng mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng, dầu quy định tại thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương (hiện tại là 300 đồng) nhân(x) với sản lượng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế đã tiêu thụ tại thị trường nội địa trong kỳ của doanh nghiệp kinh doanh.
Về phương thức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thông tư số 103/2021/TT-BTC quy định, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân. Cụ thể mức chi và quyết định phụ thuộc vào % tăng giá của giá xăng dầu cơ sở kỳ công bố và giá xăng dầu cơ cở kỳ trước liền kề.
Mức tăng | Quyết định mức chi |
Dưới 7% | Không chi sử dụng trừ trường hợp mức tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân |
Từ 7%-10% | Bộ Công Thương sau khi phối hợp với Bộ Tài Chính ra quyết định mức chi phù hợp. |
Trên 10% | Bộ Cương Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài Chính để trình báo cáo Thủ Tướng CP xem xét |
Để đảm bảo tính công khai minh bạch, Thông tư số 103/2021/TT-BTC có quy định yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu phải cáo trách nhiệm gửi báo cáo tình hình sử dụng quỹ BOG về Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương vào ngày 15 hàng tháng.
Trong quá trình hoạt động của mình, BOG có những lúc bội thu ngân sách với con số lên tới hơn 7000 tỷ đồng thời điểm 2015-2016 hoặc tại thời điểm đỉnh dịch covid ngày 31/12/2020 số dư BOG là 9.234,614 tỷ đồng; giá xăng dầu trong nước và thế giới khi đó chững lại và có xu hướng giảm giá. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, giá dầu thế giới tăng cao thì BOG đang cạn dần. Tại 02 doanh nghiệp có thị phần xăng dầu lớn nhất cả nước là PVOil và Petrolimex quỹ BOG đã âm lên tới hàng trăm tỷ đồng. Bởi vậy, thời điểm hiện tại, giá xăng dầu cơ sở thấp hơn so với giá xăng dầu được quy định bán ra trong nước với mục đích nhằm bù đắp cho phần thiếu hụt lúc trước.
Hiện nay, có hai luồng ý kiến trái chiều về việc tiếp tục sử dụng BOG để ổn định giá xăng dầu hay bỏ BOG để giá xăng dầu trong nước theo sát với giá xăng dầu thế giới. Mỗi ý kiến đều có ưu điểm và nhược điểm.
Cụ thể nếu bỏ đi BOG sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn trong nền kinh tế chưa hẳn là 100% thị trường như Việt Nam hiện nay. Bỏ BOG sẽ làm cho Chính Phủ khó lòng quản lý được lạm phát, CPI hay dự kiến tăng trưởng GDP theo kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên nếu tiếp tục sử dụng BOG như một phương pháp chính để bình ổn giá cũng gây nên những bất cập khi mà bản chất người dân phải mua với giá xăng cao hơn giá thị trường thực tế (300đồng/lít) trong thời gian bình thường. Số tiền trong quỹ BOG được gửi ngân hàng cũng khá lớn gây lãng phí nguồn tiền. Đặc biệt, việc quản lý, thu chi BOG không tập trung và được lập tại các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, từ đó gây ra những khúc mắc khi sử dụng và nghi ngờ của người tiêu dùng hiện nay.
Tham khảo một số nước trên thế giới, Họ cũng sử dụng quỹ BOG để bình ổn giá tuy nhiên nguồn tiền cho quỹ thì có nhiều hình thức khác nhau. Đơn cử tại Thái Lan là quốc gia có tình hình kinh tế khá tương đồng với Việt Nam. BOG được hình thành từ thu một phần của người tiêu dùng, một phần quỹ BOG được trích từ chính thuế nhập khẩu xăng dầu. Khi quỹ BOG cạn dần, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan khuyến nghị chính phủ tìm kiếm một khoản vay trị giá 1 nghìn tỷ baht (hơn 30 tỷ USD) để hỗ trợ quỹ bình ổn giá dầu, đồng thời phân bổ cho các gói kích thích kinh tế nhằm khắc phục tác động của tình trạng giá dầu thế giới tăng cao.
Đối phó với giá dầu thế giới tăng cao thời gian vừa qua, các nước tiên tiến có nền kinh tế thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… đa phần áp dụng chính sách giảm các loại thuế đánh vào mặt hàng này để kiềm chế lạm phát trong ngắn hạn.
Đức Bình |