Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

Giá than “phi mã”, điện than còn đắt hơn năng lượng tái tạo hưởng giá FIT

Bộ Công Thương vừa đưa ra bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII cập nhật để lấy ý kiến các đơn vị, bộ, ngành. Theo dự thảo mới này, nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ giảm khoảng hơn 8.000 MW và điện than sẽ tăng hơn 3.000 MW. Tuy nhiên, khi góp ý, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam cho rằng, cơ cấu công suất nguồn điện như vậy không hợp lý

Tính khả thi của các dự án điện than cần được xem xét

Góp ý về bản dự thảo Quy hoạch Điện (QHĐ) VIII lần này, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho biết, bản dự thảo là “bước lùi” khi tăng thêm khoảng 3.000MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030.

Bởi, xuyên suốt tờ trình và dự thảo QHĐ VIII đều nhấn mạnh quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển nguồn điện theo hướng “giảm điện than, ưu tiên, đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện”. Tuy nhiên, phần cơ cấu và dự kiến phát triển các nguồn điện không phản ánh điều đó.

“Theo dự thảo QHĐ VIII, trong 10 năm chính của quy hoạch (2021-2030), nhiệt điện than vẫn tiếp tục tăng mạnh; tăng khoảng 22.000 MW từ nay đến năm 2030, đưa tổng công suất điện than năm 2030 lên gần gấp đôi so với mức hiện có vào năm 2020. Giai đoạn 2030 – 2045, điện than dự kiến tăng thêm khoảng 8.000MW nữa.

Chúng tôi cho rằng, tính khả thi của những dự án này cần được đánh giá lại dựa trên khả năng tiếp cận vốn trong thực tế, quá trình phát triển những dự án này trong quá khứ và những thay đổi lớn gần đây của ngành than”, VSEA cho hay.

Tăng công suất điện than trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII. Ảnh minh hoạ: Vũ Tùng

 

Tính khả thi và sự thay đổi lớn của ngành than mà VSEA nhắc đến đó là việc – trong số 30.000 MW điện than dự kiến phát triển từ nay tới năm 2045, nhiều dự án đã được đưa vào từ QHĐ VII, nhưng chậm triển khai nên đã đẩy lùi thời gian vận hành trong QHĐ VII điều chỉnh. Và nay lại tiếp tục đẩy lùi thời gian vận hành trong QHĐ VIII.

Bên cạnh đó còn là sự biến động của giá than trong thời gian vừa qua, cảnh báo rủi ro khi tiếp tục phát triển những dự án như vậy. Bởi thực tế, giá than 6 tháng đầu năm 2020 là 98,8 USD mỗi tấn, đến nay tăng lên 159,7 USD mỗi tấn, tăng 150%, gấp hơn 100 lần so với tốc độ dự báo trong QHĐ VIII.

“Với giá than tăng lên 150-160 USD mỗi tấn như hiện nay, giá điện dẫn sẽ vào khoảng từ 10-11 UScent/kWh, đắt hơn điện gió ngoài khơi hưởng giá FIT là 9,8 UScent/kWh. Như vậy, giá điện than không hề rẻ mà ngược lại đắt nhất và đắt hơn tất cả các loại năng lượng tái tạo đang hưởng giá FIT”, VSEA nhận định.

 

Nên kiên định con đường phát triển năng lượng tái tạo

Cũng theo VSEA, QHĐ VIII nên kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo, tránh bị những trở ngại của năng lượng tái tạo vừa qua cản trở định hướng này.

Thay vì cắt giảm mạnh nguồn điện sạch từ năng lượng tái tạo, tăng nguồn điện than nguy cơ gây ô nhiễm với nhiều hệ lụy, cần ưu tiên chính sách để tạo ra hệ sinh thái cho phát triển năng lượng tái tạo bền vững, với chi phí giá thành ngày càng cạnh tranh.

Đơn vị này góp ý, những dự án điện than có tính khả thi thấp, các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính (tương đương khoảng 16.400 MW) cần được xem xét lại cẩn trọng và tìm các phương án thay thế.

Để tạo điều kiện khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, theo VSEA, QHĐ VIII nên đưa giải pháp khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện và xem xét ngay việc nghiên cứu ứng dụng giải pháp pin tích trữ không gây hại môi trường.

Cần có chính sách tạo điều kiện kết hợp với nắm bắt công nghệ tiên tiến của thế giới để bộ đôi năng lượng tái tạo và lưu trữ ở quy mô lớn, trung bình, nhỏ tham gia vận hành ngành điện trong tương lai.

Theo Báo Lao động

 

Exit mobile version