Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

Được mất giữa cái bắt tay của bảo hiểm nhân thọ với các ngân hàng thương mại

Những năm gần đây các Công ty Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tìm cách bắt tay với các Ngân hàng thương mại, nhằm mở ra nhiều cơ hội cho cả hai . Sự kết hợp này, các ngân hàng trở thành đại lý phân phối các sản phẩm của Công ty đối tác của BHNT. Tuy nhiên từ cái bắt tay này, không ít khách hàng vay vốn “bị ép” phải mua bảo hiểm. Để trấn chỉnh, gần đầy Bộ tài chính ra văn bản cảnh báo tăng cường kiểm tra và xử phạt …

Miếng bánh hấp dẫn khi bắt tay

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm số 12/VBHN-VPQH 2013: Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) là loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết. Theo phương diện pháp lý, BHNT là hợp đồng cam kết chi trả tiền bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm nhân thọ khi người được bảo hiểm không may xảy ra rủi ro bất trắc với điều kiện bên mua bảo hiểm đóng phí định kỳ đầy đủ theo thời gian thỏa thuận trước đó.

Với ngân hàng thương mại (Commercial bank), theo định nghĩa là một doanh nghiệp chuyên về kinh doanh đồng vốn và các dịch vụ tiền tệ liên quan . Sản phẩm kinh doanh chủ yếu là việc sử dụng những khoản tiền tệ nên có thể hiểu ngân hàng thương mại chính là nơi vừa cung cấp tiền vốn và cũng là nơi giúp khách hàng tiêu thụ những đồng vốn.

Khác biệt là vậy. để tạo đòn bẩy và cú hích phát triển thị trường, các Công ty Bảo hiểm đã tính đến vừa đảm bảo giữ được thị phần và vừa gây tiếng vang tạo đà phát triển thương hiệu, dựa vào đó những bàn tay này đã không ngần ngại tìm đến nhau để  “bắt tay) tối đa hoá lợi ích.

Khi đã có sự thỏa hiệp bằng cái bắt tay, các Ngân hàng thương mại tham gia làm đại lý phân phối các sản phẩm BHNT cho khách hàng có giao địch vay vốn, với các sản phẩm bảo hiểm có tính thương mại là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, tính mạng và tuổi thọ của con người, nhằm bù đắp cho người tham gia BHNT một khoản tiền khi hết thời hạn bảo hiểm hoặc khi người được bảo hiểm không may gặp rủi ro như tai nạn, ốm đau bệnh tật, tử vong (chết) hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn được đền bù một số tiền dựa theo hợp đồng bảo hiểm. Những sản phẩm Bảo hiểm này rất đa dạng như: Bảo hiểm tai nạn; Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe; Bảo hiểm trọn đời; Bảo hiểm hỗn hợp; Bảo hiểm liên kết đầu tư; Bảo hiểm hưu trí…

Các công ty bảo hiểm thông qua “bàn tay” các Ngân hàng sẽ bán được sản phẩm bảo hiểm, còn các ngân hàng thu được phí và hoa hồng từ các hợp đồng bảo hiểm đó. Theo số liệu thống kê, hiện tại Việt Nam mới có khoảng 11% dân số tham gia BHNT. Nhìn qua và đánh giá nhanh cho thấy miếng bánh của Bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam còn rất hấp dẫn, chính vì vậy một số ngân hàng nhanh tay chớp lấy cơ hội này để lấn sân sang ngành bảo hiểm và sẵn sàng chấp nhận làm đại lý phân phối sản phẩm BHNT. Vì thông qua cái bắt tay tạo thành liên minh, các Công ty Bảo hiểm phải bỏ ra từ 120% – 170%  (tùy thuộc vào sự thương thảo của hai bên) đây được xem là chi phí khai thác hợp đồng cho năm đầu tiên mà đối tác Ngân hàng khai thác được dựa trên tổng doanh thu năm thứ nhất.

 

Tự sự thương thảo thành công, các Ngân hàng và các Công ty Bảo hiểm khác nhau cũng đã bắt đầu ký các thỏa thuận hợp tác trong đó: Ngân hàng là đối tác đóng vai trò như một đại lý bán các sản phẩm bảo hiểm, cụ thể là sự liên kết giữa Dai-ichi-Life Việt Nam với Sacombank, Techcombank với Manulife, Vietcombank với FWD Việt Nam, PVcomBank với Prudental,  gần đây vào 1/2021 ACB đã đồng ý bắt tay với Sunlife Việt Nam và còn nhiều Ngân hàng khác …

Câu hỏi đặt ra, tại sao ở Việt Nam lại có nhiều Ngân hàng thương mại sẵn sàng bắt tay với các Công ty Bảo hiểm nhân thọ đến vậy? bởi vì nhờ vào lợi nhuận khủng lên tới một trăm mấy chục phần trăm từ Công ty Bảo hiểm trích cho, làm thăng hoa cho bản báo cáo tài chính của các Ngân hàng thương mại có liên kết với Công ty bảo hiểm như: Tại Ngân hàng Techcombank, nguồn thu từ mảng kinh doanh Bảo hiểm tăng cao cùng với thu nhập từ lãi và dịch vụ đã đóng góp tích cực vào con số lợi nhuận đạt được 11.500 tỷ đồng trước thuế của Techcombank trong 6 tháng đầu năm nay.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư do ACB tổ chức, lãnh đạo ACB tiết lộ lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 6.400 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước.Trong đó doanh thu từ thu nhập trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước với 853 tỷ đồng đến từ mảng bảo hiểm. Ngay cả Vietcombank đã nâng kế hoạch thu phí hoa hồng từ phân phối bảo hiểm 500 tỷ đồng đề ra hồi đầu năm lên mức 700 tỷ đồng trong năm nay.

Nhận thấy thị trường còn nhiều tiềm năng nên các Ngân hàng thương mại lớn còn chủ động đứng ra góp vốn, thành lập các công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng, hình thành xu hướng mới trên thị trường bảo hiểm Việt Nam: Doanh nghiệp bảo hiểm trực thuộc ngân hàng hoặc chi phối bởi ngân hàng như MBageas life của ngân hàng Quân đội (MB-Bank), BIDV Meliffe của ngân hàng TMCP phát triển Việt Nam, Vietinbank Aviva của ngân hàng Vietinbank.

 

Tự nguyện hay “bị ép”, kẻ cười người khóc và hệ lụy

Như đã phân tích ở trên, vì những khoản % lợi nhuận từ phí khai thác BHNT “kếch xù” . Nên  sau khi bắt tay tạo liên minh với Công ty Bảo hiểm thì hàng loạt Ngân hàng thương mại đã đẩy chỉ tiêu kinh doanh cho nhân viên tín dụng nhưng lại buông lỏng kiểm soát, để cho nhân viên tín dụng vô tư chèn ép Khách hàng của chính mình tham gia bảo hiểm một cách vô tội và khiến nhiều người dân và doanh nghiệp đã khó khăn phải đi vay đi mượn nay lại cộng thêm một chi phí phát sinh từ gói bảo hiểm nhân thọ không hề mong muốn.

Như anh Nguyễn Văn Bi, ngụ phường Hưng Phú, quận Cái Răng đi vay vốn ở Ngân hàng thương mại tại thành phố  Cần Thơ (xin được dấu tên),  chia sẻ:  Anh dùng tài sản nhà đất ra để đảm bảo khoản vay 400 triệu, khi gioa dịch cán bộ tín dụng Ngân hàng này nói, để được duyệt hồ sơ nhanh chóng, phải ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với mức 25 triệu / 1 năm , ban đầu anh Bi nhất quyết không đồng ý.  Nhưng  hồ sơ bị ngâm, lại cần tiền nên phải chấp nhận gói BHNT phí 15 triệu / 1 năm. Tương tự,  anh Quang ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho biết, anh tới Ngân hàng để vay số tiền 500 triệu đồng, sau khi tư vấn về các gói vay thì cán bộ tín dụng Ngân hàng hướng anh tới một gói bảo hiểm nhân thọ đóng phí 35 triệu/ năm. Để từ chối, anh Quang trình bày, giai đình các thành viên đều đã tham gia BHNT rồi, xin không không mua nữa, lúc này cán bộ tín dụng ngân hàng lại nói nếu không mua Anh sẽ không được hưởng lãi xuất ưu đãi ….

Phóng viên anhsangvacuocsong.vn, trong vai người cần vay vốn mua nhà đất tại Cần Thơ, sau khi gặp mặt nói chuyện với cán bộ tín dụng tại quán caffe trên đường Trần Hưng Đạo TP Cần Thơ, hẹn hôm sau đi xem vị trí nhà đất cần mua và thẩm định giá để cho vay, đến giờ hẹn không thấy cán bộ tín dụng đâu, phóng viên Alo thì cán bộ tín dụng bắt máy nhưng  viện cớ bận và đưa cho hai sự lựa chọn: (1) phải mua BHNT thì mới hỗ trợ làm hồ sơ; (2)  nếu có bảo hiểm rồi không mua thêm thì phải chi 1% / tổng doanh số vay, khoản này gọi là phí dịch vụ.

Việc tham gia Bảo hiểm nhân thọ là điều cần thiết đối với mỗi người dân và mỗi gia đình, để đảm bảo sự an tâm về tài chính của mình và tùy thuộc vào khả năng tài chính . Tôn chỉ của BHNT là tham gia trên tinh thần tự nguyện và tùy nhu cầu của mỗi cá nhân, hoặc đơn vị  – doanh nghiệp. Nhưng khi các Công ty Bảo hiểm không trực tiếp tư vấn khai thác mà lại ủy thác cho một đơn vị không chuyên về bảo hiểm (NHTM), họ chỉ nghĩ đến % hoa hồng và nguồn lợi từ phí khai thác dự trên sự “bắt tay” đã làm méo mó đi ý nghĩa nhân của BHNT dẫn đến việc có nhiều góc nhìn không tốt về bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, đồng thời tạo thêm áp lực chi phí cho khách hàng ( đối tượng cần vốn)  sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho lao động và tham gia nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Mặc dù Công văn Bộ tài Chính và Ngân hàng nhà nước đã phát đi thường xuyên, kèm theo những cảnh báo sẽ xử lý nghiêm những Ngân hàng vi phạm. Với các Ngân hàng thương mại, vẫn biết việc ép mua BHNT là vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, trái với quy định của cơ quan chủ quản và ngành chức năng. Nhưng chỉ là ra văn bản “ giơ cao đánh khẽ” hay chỉ đạo vào cuộc để xử phạt chung chung, không có văn bản cấm “kinh doanh lộn sân”, thì những văn bản đấy chưa đủ sứ răn đe, xem như “đá ném ao bèo”. Bởi lách luật sẽ mang về lợi ích lớn hơn và “lương tâm không bằng lương tháng” nên  không ít cán bộ tín dụng  hiện nay vẫn tìm nhiều cách khác nhau để chốt được việc: Khách hàng  phải mua BNNT mới được vay gói ưu đãi và giải ngân nhanh chóng, còn người cần vốn vay “chạy trời không khỏi nắng” .

Tuy chưa có khảo sát đầy đủ, nhưng số đông khách hàng đến Ngân hàng chỉ với mục tiêu vay vốn, nếu có ưu đãi lãi suất thì hoan nghênh. Rất hiếm, người vay vốn ở các Ngân hàng thương mại muốm mua thêm bất kỳ một sản phẩm BHNT. Nhưng trước áp lực về vốn để lo cho mưu sinh, khởi nghiệp … và cần được giải ngân sớm nhất, không ít khách hang phải nhắm mắt mua một gói  BHNT với mức thấp hơn do cán bộ tín dụng ngân hàng gợi ý, nhưng chỉ đóng phí xong năm đầu tiên rồi bỏ, rất hiếm người đeo bám đóng phí đến măm thứ ba để được nhận giá trị hoàn lại, vì giá trị hoàn lại ở năm thứ ba theo luật kinh doanh BHNT so với tổng giá trị phí đã đóng trong 03 năm đầu chỉ ở mức  rất thấp (trên dưới 21,5%) . Như vậy tính chất bền vững của việc “ép” mua BHNT không  không cao, phía Ngân hàng có lợi được phí khai thác năm đầu tiên, nhưng Công ty BHNT tăng trưởng không như kỳ vọng, vì khách hàng không bỏ sau năm đầu tiên sẽ tiếp tục đơn phương hủy bỏ các năm tiếp theo, chấp nhận lỗ đến 100%. Ngược lại phía Ngân hàng cũng không giữ chân được khách hàng uy tín, có lịch sử vay vốn trả lãi rất tốt.

Trường hợp sau đây, cho thấy hệ lụy rủi ro từ cái bắt tay giữa Công ty BNNT và Ngân hàng khó đi đến sự bền chặt như sau: Ông Nguyễn Văn Hát ở phường An Khách, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, từng là khách hàng gắn bó với Ngân hàng ACB – Chi nhánh Cần Thơ, vào đầu năm 2019 có dư nợ hơn 2 tỷ đồng, đến thời điểm điều chỉnh lãi suất thả nổi theo định kỳ, nhưng hoạt động kinh doanh tạo dòng tiền thanh toán có trở ngại. Ông Hát đề nghị  với ACB giữ nguyên lãi suất, cán bộ tín dụng nói: Nếu giữ lãi suất cũ , khách hàng mua cho 01 hợp đồng BHNT  phí trên trên dưới 20 triệuđồng/ năm. Do gia đình đã có đủ các sản phẩm của BHNT nên không mua , ACB  sau đó điều chỉ lãi vay thêm một một mức, tình huống này ông Hát quyết định tất toán toàn bộ dư nợ với ACB, chia tay với người đồng hành ngót 10 năm gắn bó.

Một trường hợp khác, đầu tháng 8/2020, bà PTH công tác trong ngành giáo dục tại quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ, có giao dịch vay vốn với Ngân hàng Quân đội (MB) – chi nhánh Tây đô, Ngân hàng Quân đội (MB-Bank )có doanh nghiệp Bào hiểm nhân thọ là  MBageas life. Bà PTH vay thế chấp trung hạn mua nhà đất, điều kiện thanh toán hàng tháng tốt nên được cán bộ tín dụng rất nhiệt tình trong công tác xét duyệt hồ sơ. Tuy vậy, để vay với suất ưu đãi năm đầu 7,7%/năm (trong khi lãi thông thường tại thời điểm là 10,5%/năm) và duyệt hồ sơ giải ngân nhanh, cán bộ tín dụng và nhân viên MBageas life chèo kéo mua BHNT với mức phí trên 35 triệu đồng/năm. Do chưa chốt được sản phẩm BHNT nên hồ sơ giải ngân neo lại mất vài ngày, cuối cùng  bà PTH đành phải mua sản phẩm BHNT  với tên gọi là “kiến tạo ước mơ”  phí dưới 20 triệu đồng/năm.

Dù thời hạn vay ưu đãi lãi suất kéo dài trong  01 năm chưa hết và thời gian vay kéo dài đến 14 năm ( kết thúc vào năm 2034), nhưng đến giữa tháng 7/2021 dịch Covid-19 bùng phát phức tạp tại các tỉnh miền Tây , dòng tiền trả vốn và lãi định kỳ trở ngai, do các loại hình kinh doanh dịch vụ tạm đóng cửa theo Chỉ thị 16/TTg. Bà PTH đề nghị lúc đầu là giảm lãi, sau là tất toán vốn nhưng xin giảm phí thanh toán vốn trước hạn (2%/ tổng dư nợ), MB – chi nhánh Tây đô nại đủ cách để từ chối, bà PTH bấm bụng tất toán trước hạn hơn 13 năm, chấp nhận nộp phí trả vốn trước hạn 2/%, đóng thời thông báo xin chất dứt hợp đồng BHNT với MBageas life.

 

Để giảm bớt khó khăn cho người dân, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh phát triển, thiết nghĩ các Công ty BHNT và một số Ngân hàng thương mại nên dừng ép khách hàng tham gia BHNT, từ bỏ mô hình “kinh doanh lai ghép, đá lộn sân”.  Riêng với Bộ tài chính và cơ quan chủ quản cần có những quy định đủ sức chế tài, sự vượt rào để bắt tay của Công ty BHNT và Ngân hàng thương mại, nhằm bảo đảm người dân tham gia BHNT luôn có quyền tự nguyện. Còn khi xác lập giao dịch vay vốn  phải được phục vụ tận, tình, chu đáo nhưng không kèm bất kỳ điều kiện gì? Qua đó củng có sự minh bạch giữa hai loại hình kinh doanh , trong đó ngành Ngân hàng làm nghề tín dụng phải đảm bảo tính chuyên nghiệp khách quan,  không kinh doanh theo kiểu “mượn đầu dê để bán thịt chó”, hay mượn danh nghĩa “ ưu đãi, kích cầu vay đầu tư, tiêu dùng …) giảm thủ tục hành chính, giải ngân nhanh để rồi “ép” chính khách hàng của mình miễn cưỡng tham gia BHNT, ngân hàng thì phải thể hiện rõ vai trò của Ngân hàng hãy là một tổ chức tín dụng đúng với tôn chỉ của ngành là huy động vốn và cho vay ./.

Hoàng Quân – Trường Ca

 

Exit mobile version