Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

Dự án gần 14 triệu USD chưa quyết toán đã hư hỏng

Dự án điện mặt trời gần 14 triệu USD lắp đặt tại các thôn bản vùng xa chưa có điện lưới, sử dụng được khoảng hai năm thì hư hỏng.

Nhìn cụm pin năng lượng mặt trời trước nhà còn kiên cố nhưng không thể phát điện, ông Nguyễn Văn Tương, trú bản Đoòng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, buồn thiu. Lâu lắm rồi ông không thể xem tivi, hưởng gió mát từ quạt máy.

Nhà ông Tương nằm ở vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nên không có điện lưới. Năm 2016, sân nhà ông Tương được lắp một trạm điện năng lượng mặt trời gồm hai tấm pin kích thước 1,2×1,8 m mỗi tấm, một tủ ắc quy và một số thiết bị. Từ trạm này, một đường dây nối vào nhà để thắp sáng ba bóng đèn.

Có trạm điện, gia đình ông Tương sắm thêm một số đồ dùng như quạt, tivi. “Điện chỉ đủ thắp sáng ba bóng đèn, xem tivi, sạc loa…, nhưng trời nắng thì có, mưa thì mất khoảng 6 tháng và hơn năm nay mất luôn”, ông Tương cho hay.

Gia đình ông Tương đã với UBND xã Tân Trạch, nhưng chưa thấy nhân viên đến sửa trạm điện. Lúc bàn giao, được căn dặn không tác động đến trạm nên nó hỏng ông chỉ biết đứng nhìn.

Trước sân nhà ông Tương lắp trạm điện mặt trời nhưng hư hỏng sau hơn một năm sử dụng. Ảnh: Hoàng Táo

Trạm phát điện của nhà ông Tương nằm trong dự án điện năng lượng mặt trời cho các xã vùng xa chưa có điện lưới của tỉnh Quảng Bình, triển khai từ tháng 7/2015, tổng vốn 13,7 triệu USD (khoảng 300 tỷ đồng), trong đó 12 triệu USD vay vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc, 1,7 triệu USD vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án cấp điện mặt trời cho 9 xã của 4 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa với gần 1.300 hộ dân, 78 cơ quan, dịch vụ công.

Bản Đoòng, xã Tân Trạch, được đầu tư ba trạm điện mặt trời cá nhân cung cấp cho ba hộ dân và một điểm tập trung cấp điện cho 7 hộ gia đình và điểm trường học. Đến nay, chỉ còn một trạm phát điện nhưng chập chờn. Điểm phát điện tập trung với 16 tấm pin, bị cỏ dại, cây cối phủ lấp. Các tấm pin phủ bụi, rêu mốc. Bên dưới, tủ đựng bình ắc quy bị bung cửa, bình ắc quy còn nguyên nhưng ốc vít, đấu nối các bình với nhau bị mở tung.

Ông Nguyễn Văn Chốc, Bí thư chi bộ bản Đoòng, cho hay sau khoảng một năm rưỡi hoạt động, các trạm điện mặt trời hư hỏng. Dân phải dùng đèn pin, hết tiền mua pin thì nhà tối om. Hiện, trang thiết bị tại các cụm điện còn nguyên vẹn, với các tấm pin, bình ắc quy, tủ kỹ thuật, dây dẫn vào nhà dân, bảng điện, bóng đèn.

Tương tự, điểm trường bản 61, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, cũng sử dụng điện mặt trời nhưng các trạm không phát điện. Cô giáo Đinh Thị Quyên cho biết, ban đêm các cô ở lại trường phải thắp đèn dầu hoặc dùng bóng tích điện, bóng năng lượng mặt trời. Khi hết điện, các cô ra trung tâm xã sạc nhờ máy phát điện.

Trạm điện năng lượng mặt trời hư hỏng, bị cây cối phủ lấp. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Nguyễn Việt Hà, Phó giám đốc Sở Công Thương, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời, thừa nhận có nhiều trạm điện mặt trời hư hỏng, không thể phát điện. Tỉnh đã giao Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (thuộc Sở Công Thương) thống kê các điểm hư hỏng, có phương án thay thế, sửa chữa. Hiện, Ban quản lý chỉ còn 4 nhân viên hợp đồng, nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thành thủ tục quyết toán dự án, sau đó giải tán.

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại được giao quản lý các thiết bị dự phòng của dự án, gồm 309 tấm pin, 120 bình ắc quy và phụ kiện khác. Ông Lê Mậu Khánh, Giám đốc Trung tâm, cho hay đang thống kê các điểm hư hỏng, sơ bộ số điểm hỏng nhiều hơn thiết bị dự phòng đang có.

Ông Khánh phân tích khu vực hưởng thụ dự án có khí hậu ẩm ướt, nắng muộn tối sớm, số tháng nắng ít, thường xuyên lũ lụt. Ngoài ra, người dân sử dụng quá công suất, bảo quản không tốt, tổ quản lý không có chuyên môn khiến các điểm phát điện nhanh hư hỏng, ít hiệu quả.

Dự án đang được làm thủ tục quyết toán nên các phương án thay thế, sửa chữa không được thông qua. Quyết toán xong, trung tâm mới khảo sát, lên phương án thay thế, sửa chữa, rồi chờ UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt mới có thể phân bổ thiết bị dự phòng về địa phương. Trong thời gian chờ quyết toán và chờ xây dựng phương án, các trạm điện hư hỏng đành phải bỏ hoang phế.

Theo VNExpress

 

Exit mobile version