Tại buổi họp báo cung cấp thông tin cho báo chí quí III-2024 vào chiều 8/10/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, mục tiêu tăng trưởng (GRDP) 8 – 10% của năm 2024 mà tỉnh đặt ra là kỳ vọng, nhưng sẽ rất khó để đạt được.
Ông Phạm Văn Thiều – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chủ trì buổi họp họp báo. Cùng dự có lãnh đạo các sở ban ngành, thành phố Bạc Liêu và các huyện của tỉnh.
Theo báo cáo do Sở KH&ĐT thông tin tại buổi họp ước tính 9 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu tăng 6,32% so cùng kỳ, đứng thứ 8/13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 7,4%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 3,36% và khu vực dịch vụ tăng 6,66%.
Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh quý III tăng 6,62% và 09 tháng tăng 4,3% so cùng kỳ. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng cường mở rộng sản xuất tạo thêm việc làm cho người lao động, có nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9 đạt 6.520,94 tỷ đồng, quý III đạt 19.437,22 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đạt 58.937,56 tỷ đồng, bằng 68,69% kế hoạch, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa khởi sắc và có tăng so với cùng kỳ, chủ yếu vẫn tập trung vào mặt hàng thủy sản; các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vẫn duy trì tốt các thị trường xuất khẩu truyền thống. Lũy kế 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước 745,46 triệu USD, đạt 64,35% kế hoạch, tăng 9,13%.
Tính đến hết tháng 9/2024, vốn đầu tư công năm 2024 giải ngân được 1.481,473 tỷ đồng, đạt 40,53% kế hoạch . Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý III thực hiện 9.436,464 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng 24.073,504 tỷ đồng, đạt 55,09% kế hoạch, tăng 7,7%.
Công tác thu ngân sách được quan tâm chỉ đạo tập trung ngay từ đầu năm. Ngành Thuế trên địa bàn tỉnh đã triển khai tốt các giải pháp thu ngân sách, nhất là thu hồi nợ thuế. Tổng thu ngân sách nhà nước (thu nội địa) trong tháng 9 đạt 270 tỷ đồng, quý III đạt 857,43 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng thu 3.283,942 tỷ đồng, đạt 83,97% dự toán, tăng 6,9%; trong đó, có 9/15 khoản thu đạt trên 75% so dự toán năm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu – Phạm Văn Thiều ngay từ đầu năm 2024, địa phương đã rất quyết liệt phấn đấu thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội, nhưng qua 9 tháng điều hành và nỗ lực phất đấu tỉnh Bạc Liêu mới đạt mức tăng trưởng kinh tế GRDP 6,32%, đứng thứ 8/13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ này không đúng như kỳ vọng ban đầu đặt ra, trong khi mục tiêu phấn đấu mức tăng trưởng cả năm 2024 của tỉnh là 8 – 10%. Nhưng đến nay sẽ không thể thực hiện được như kế hoạch đã đề ra, đây là điều yếu tố khách quan ngoài mong muốn, do các dự án động lực thúc đẩy KT-XH của tỉnh chưa đưa vào hoạt động, như dự án Điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3 do Công ty Cổ phần Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu đầu tư (công suất 141 MW) , Vốn đầu tư của dự án: 11.260.200.000.000 đồng
và dự án Nhà máy Điện gió Nhật Bản Bạc Liêu – giai đoạn 1 do Công ty Cổ phần Năng lượng Nhật Bản – Bạc Liêu đầu tư (công suất 50 MW), Vốn đầu tư của dự án: 2.497.000.000.000 đồng.
Theo kế hoạch dự kiến, năm 2024 dự án Điện khí LNG Bạc Liêu có quy mô đầu tư khoảng 4 tỷ USD, lớn nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa thể đua vào hoạt động, do vậy sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GRDP của địa phương. Nhưng với khả năng và nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, mức tăng trưởng GRDP 7-8% vào cuối năm sẽ hoàn thành, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định./.
Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu được cấp chủ trương đầu tư vào tháng 1/2020. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cũng đã được phê duyệt vào tháng 9/2021; hạng mục Kho cảng nổi LNG được phê duyệt trong Quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển hồi tháng 9/2021; Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đã được Bộ Công thương thẩm định vào tháng 1/2021.
Với dự án này, nhà đầu tư cũng đã có 9 buổi làm việc chính thức với Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc EVN và cung cấp dự thảo PPA sửa đổi từ mẫu Thông tư 57/2020/TT-BCT hiện hành để đáp ứng yêu cầu huy động vốn của các bên cho vay quốc tế. Để đảm bảo nhiên liệu cho nhà máy vận hành liên tục, DOE cũng đã tổ chức đấu thầu quốc tế để cung cấp LNG dài hạn, thu hút 29 hồ sơ dự thầu. Tuy nhiên, khi hàng loạt vấn đề còn chưa được thông suốt như nói trên, thì nhà đầu tư cũng nhắc tới đường dây truyền tải 500 KV Bạc Liêu – Thốt Nốt chưa được phía Việt Nam xác định chủ đầu tư, làm ảnh hưởng tới lịch đóng điện ngược và chạy thử của dự án. Theo DOE, chỉ khi xác định được thời điểm đóng điện ngược, thì hai bên mới thỏa thuận được thời gian và sản lượng điện của từng tổ máy, làm cơ sở xác định giá điện. Vì vậy, doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương và giao Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư để kịp xây dựng, đồng bộ với tiến độ phát điện của tổ máy đầu tiên vào tháng 6/2028. Nguồn – UBND tỉnh BL |
Trường Ca – Nguồn UBND tỉnh Bạc Liêu)