Các chuyên gia cho rằng, lựa chọn phát triển nhiệt điện than ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi, làm “thắt lại” lộ trình chuyển dịch xanh trong khi Việt Nam đang rất nỗ lực để giảm phát thải khí nhà kính…
Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII cập nhật mới được Bộ Công Thương đưa ra để lấy ý kiến các đơn vị, Bộ, ngành liên quan để kịp trình Chính phủ trong tháng 9 này, nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ giảm khoảng hơn 8.000 MW và điện than sẽ tăng hơn 3.000 MW.
Quy hoạch “thắt lại” lộ trình chuyển dịch xanh
Tại toạ đàm trực tuyến “Quy hoạch điện VIII: Mở đường hay thắt lại Lộ trình chuyển dịch xanh” do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức chiều 16/9, bà Nguỵ Thị Khanh – Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cho rằng, dự thảo Quy hoạch vẫn đặt cược vào điện than trong vòng 10 năm chính của quy hoạch (2021-2030), và tiếp tục kéo dài sự phát triển này sang giai đoạn 2035-2045.
“Đây là lựa chọn ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi. Nhìn từ phân loại 30.000 MW điện than theo hiện trạng tiếp cận vốn có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, chỉ có 10 dự án điện than đã thu xếp được vốn và đang xây dựng với công suất 10.800 MW, nhưng có tới 15 dự án đang ở bước đàm phán, chưa huy động được vốn, công suất vào khoảng 16.400 MW”, bà Khanh chỉ ra.
Cắt giảm năng lượng xanh, năng lượng tái tạo sẽ gây ra nhiều tác động và hệ lụy. Ảnh minh họa: KT
Cũng theo bà Khanh, đối với những dự án điện than có tính khả thi thấp, các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính (tương đương khoảng 16.400 MW) cần được xem xét lại cẩn trọng và tìm các phương án thay thế. Quy hoạch Điện VIII nên đưa giải pháp khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện và cần xem xét ngay việc nghiên cứu ứng dụng giải pháp pin tích trữ không gây hại môi trường.
Quan ngại về việc cắt giảm nguồn điện tái tạo trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, ông Mai Văn Trung, Phó Chủ tịch Công ty Nami Energy cho biết, đa số doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đang phải đối mặt với thách thức về tỉ trọng sử dụng điện sạch trong tổng công suất sử dụng điện chung đối với các sản phẩm xuất khẩu. “Năm 2022, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị áp trần nhất định, có nghĩa là các nhãn hàng lớn họ áp đặt tỉ trọng sử dụng năng lượng tái tạo trong sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu. Chính vì vậy, trong Quy hoạch Điện VIII cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch”, ông này nói.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cũng lo ngại dự thảo Quy hoạch Điện VIII sẽ “thắt lại” lộ trình chuyển dịch xanh. Ông Tuấn cho rằng, Việt Nam đang rất nỗ lực để giảm phát thải khí nhà kính. Nhưng dự thảo Quy hoạch Điện VIII lại tăng công suất điện than và cắt giảm năng lượng xanh, năng lượng tái tạo sẽ gây ra nhiều tác động và hệ lụy.
“Chúng ta không nên nhận định đơn thuần về mặt kỹ thuật, kinh tế năng lượng mà phải đánh giá trên phương diện rộng hơn. Vừa qua, Nghị viện châu Âu đã biểu quyết, ủng hộ ý tưởng áp thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây là bước đi đầu tiên trong việc tạo lập một tiêu chuẩn kỹ thuật mới mẻ mà các nước xuất khẩu hàng hoá vào châu Âu; trong đó có Việt Nam sẽ phải quan tâm”, ông Lê Anh Tuấn nói.
Nêu quan điểm tại toạ đàm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam cho hay, khi xây dựng dự thảo Quy hoạch Điện VIII cần phải bám sát vào Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Ông Huân cho rằng, Quy hoạch Điện VIII đã cố gắng sửa chữa những khuyết điểm từ Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, song có điều cần hết sức cân nhắc đó là câu chuyện phát triển điện than. “Theo dự thảo vừa công bố thấy rằng điện than được “ưu ái” hơn năng lượng tái tạo là không hợp với xu thế. Bởi điện than phụ thuộc rất lớn vào vấn đề nhập khẩu, khó tiếp cận nguồn tài chính cũng như gây ra những hệ luỵ về ô nhiễm môi trường”, ông Huân nói.
Nhận thấy việc cắt giảm ngay nguồn điện than là việc làm khó nhưng ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, quy hoạch phải phải có lộ trình giảm dần điện than trong thời gian tới. Phải tìm cách tháo gỡ dựa trên sự cân đối về hệ thống điều độ, vận hành, nâng công suất mạng lưới, hay các giải pháp về lưu trữ…
“Việc nâng công suất mạng lưới truyền tải cần 13 tỉ USD là đòi hỏi lớn về nguồn lực nên cần phải có sự tham gia của khối tư nhân. Tuy nhiên, hiện nay Điều 4, Luật Điện lực vẫn chưa quy định về sự tham gia của khối tư nhân trong hệ thống phân phối lưới điện. Chính vì vậy, cần phải có những thay đổi để phù hợp với thực tiễn, cần sửa đổi Luật điện lực và cởi bỏ những rào cản về chính sách”, ông Huân đưa ra gợi ý.
Hệ thống lưới truyền tải không đáp ứng được nên nguồn năng lượng tái tạo phải tiết giảm công suất. Ảnh minh họa: KT
Cần hệ sinh thái cho phát triển năng lượng tái tạo
Trước đó, góp ý về dự thảo Quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương, VSEA cho rằng, việc kìm hãm sự phát triển của năng lượng tái tạo trong thời gian tới là giải pháp dễ thực hiện cho nhà vận hành hệ thống điện nhưng chưa phải là giải pháp tối ưu nhất. Bởi lẽ, với sự cải tiến nhanh về công nghệ trong thời gian qua, điên mặt trời ở Việt Nam đã cạnh tranh được với giá thành sản xuất điện than vào năm 2021, trong khi đó điện gió được dự báo sẽ cạnh tranh với điện than mới vào năm 2025.
“Thay vì cắt giảm mạnh nguồn điện sạch từ năng lượng tái tạo, tăng nguồn điện than nguy cơ gây ô nhiễm với nhiều hệ lụy, cần ưu tiên chính sách để tạo ra hệ sinh thái cho phát triển năng lượng tái tạo bền vững, với chi phí giá thành ngày càng cạnh tranh. Chỉ khi có “lộ trình điện cạnh tranh rõ ràng” với cơ chế, chính sách đồng bộ, thì ngành công nghiệp non trẻ này của Việt Nam mới phát triển, công nghệ hiện đại được áp dụng, doanh nghiệp trong nước có thể cung cấp các dịch vụ nhiều hơn từ thiết kế, xây lắp, vận chuyển, vận hành, bảo trì”, VSEA kiến nghị./.
Theo VOV