Huyện Vĩnh Thuận ở cực nam tỉnh Kiên Giang, giáp với tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, trước đây giao thông trắc trở nên xa xôi diệu vợi. Nhưng hôm nay giao thông đường bộ mở mang với lưới điện quốc gia bao phủ, phát triển mạnh mẽ sản xuất và công nghệ số ở nhiều lĩnh vực đã đưa Vĩnh Thuận đi lên hiện đại với mọi miền.
Làng quê sáng ánh điện
Huyện Vĩnh Thuận gồm 1 thị trấn và 7 xã với diện tích 394,8 km², dân số hơn 96.000 người, có những dòng sông, con kênh nổi tiếng ĐBSCL: Sông Cái Lớn, sông Trẹm, kênh Canh Điền, kênh xáng Chắc Băng…Lưới điện quốc gia đã bao phủ, đến năm 2024 này, 100% hộ có điện sử dụng, trong đó hộ sử dụng điện an toàn đạt 99,19%.
Điện lưới quốc gia thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Dễ thấy ở nuôi trồng thủy sản, đầu năm 2024, diện tích nuôi tôm 30.465 ha, vượt kế hoạch; sản lượng 14.361 tấn, gồm 2.890 tấn tôm sú, 3.308 tấn tôm thẻ, 8.163 tấn tôm càng xanh. Bên cạnh, 1.435 tấn cua và 6.201 tấn cá các loại. Năm nay giá bán không cao nhưng cũng cho người dân nguồn thu nhập lớn: Tôm sú 30-40 con/kg giá 110.000 -155.000 đồng/kg, tôm thẻ 100 con/kg giá 85.000 – 90.000 đồng/kg, tôm càng xanh 10-20 con/kg giá 150.000 -180.000 đồng/kg, cua tùy loại có giá từ 150.000-600.000 đồng/kg.
Lúa và rau màu đều đạt và vượt kế hoạch. Sản lượng lúa 100.470 tấn, rau màu 9.075 tấn. Bên cạnh, 771 ha khóm, 185 ha dừa năng suất cao. Có 126 ha chuyển đổi sang tôm- lúa đạt hiệu quả gấp 2,5 lần so với trước khi chuyển đổi.
Điện khí hóa góp phần thúc đẩy liên kết sản xuất. Hàng chục cánh đồng lớn được duy trì theo hướng hữu cơ, VietGAP và đã được cấp 40 mã số vùng trồng lúa, màu, khóm. Huyện có 27 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, gồm 23 hợp tác xã nông nghiệp và thủy sản; 4 hợp tác xã xây dựng, thương mại – dịch vụ; với số vốn 34 tỷ đồng, 592 thành viên. Bên cạnh, 76 tổ hợp tác nông nghiệp. Vĩnh Thuận đã có 15 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất các ngành chủ yếu đạt 5.091 tỷ đồng. Trong đó, nông – lâm – thủy sản 3.914 tỷ đồng, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp 348 tỷ đồng, xây dựng 827 tỷ đồng.
Giao thông, nước sạch, chuyển đổi số
Bây giờ, từ tỉnh lỵ Kiên Giang về huyện Vĩnh Thuận đã có Quốc lộ 63; từ các tỉnh lân cận là Bạc Liêu, Cà Mau và Hậu Giang cũng có nhiều đường ô tô về Vĩnh Thuận. Tàu thuyền và ca nô cao tốc đường thủy không ngừng phát triển tỏa đi bốn phương.
Chỉ tính đầu năm 2024, có 37 công trình giao thông nông thôn được xây dựng, gồm 16 công trình chuyển tiếp và 21 công trình mới, với vốn hơn 275 tỷ đồng. Các tuyến đường nông thôn được nâng cấp đạt chuẩn tối thiểu 3,5 mét trở lên.
Đồng thời, hệ thống nước sạch sinh hoạt cũng phát triển. Huyện có 4 trạm cấp nước tập trung, phục vụ nước sạch cho 19,68% người dân. Cùng các hình thức cấp nước khác, đảm bảo 99,18% hộ dân trong huyện sử dụng nước hợp vệ sinh.
Đặc biệt, Vĩnh Thuận chú trọng khuyến khích đưa các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Đến nay đã có 15 sản phẩm của các hợp tác xã đăng trên trang Kết nối cung cầu nông sản an toàn Kiên Giang (https://nongsanantoankiengiang.vn), có 8 sản phẩm đăng trên sàn Thương mại điện tử tỉnh Kiên Giang (https://kigi.com.vn). Nhiều người dân cài đặt, sử dụng các phần mềm quản lý sức khỏe như Vncare, sổ sức khỏe điện tử,… và kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên phần mềm VneID.
Lĩnh vực xây dựng chính quyền cũng chú trọng phát triển số. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện đã tiếp nhận 881 hồ sơ trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, kỳ trước chuyển sang 137 hồ sơ, tổng cộng 1.018 hồ sơ. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 48,30%; tỷ lệ số hóa đầy đủ thành phần hồ sơ khi tiếp nhận đạt 95,69%, tỷ lệ số hóa kết quả hồ sơ đạt 73,75%. Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã đã tiếp nhận 8.800 hồ sơ (trực tuyến 8.744 hồ sơ, trực tiếp 56 hồ sơ), kỳ trước chuyển sang 100 hồ sơ, tổng cộng giải quyết 8.900 hồ sơ.
Không ngừng phát triển hiện đại
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Võ Thanh Xuân cho biết, kết cấu hạ tầng kỹ thuật – kinh tế xã hội được đầu tư cơ bản, đồng bộ đáp ứng nhu cầu phát triển đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn khác hẳn dăm năm trước. Hiện trong 7 xã của huyện đã có 2 xã Bình Minh và Vĩnh Phong đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, xã Phong Đông đạt 18 tiêu chí và 4 xã Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Bình Bắc, Tân Thuận, Vĩnh Thuận đạt 16 tiêu chí.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Thoàn nêu nguyên nhân đạt được thành tích trong 6 tháng đầu năm 2024: “Huyện có nhiều thuận lợi cơ bản và cũng không ít khó khăn, nhưng các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ ngay từ đầu năm, nên tình hình chung của huyện ổn định, các lĩnh vực phát triển khá toàn diện”. Các mặt đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước: Giá trị sản xuất các ngành chủ yếu tăng 4,19%, sản lượng lúa tăng 11,2%, sản lượng tôm tăng 2,21%, tổng thu ngân sách tăng 24,76%, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tăng 6,26%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,64%.
Vĩnh Thuận đang tiếp tục được đầu tư để phát triển mạnh hơn nữa. Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Lê Trung Hồ cho biết một số công trình có ý nghĩa lớn về điện và giao thông đường bộ đang được tập trung triển khai thực hiện.
Về điện: Công trình đường dây 110kV Vĩnh Thuận – Gò Quao đã chi trả được 182/187 hộ tương ứng 190/195 phương án với số tiền 6.841.000.000 đồng, đạt 97,4%, tương ứng 63/68 trụ. Công trình đường dây 110kV An Xuyên -Vĩnh Thuận đã chi trả 77/82 phương án với số tiền 1.428.006.386 đồng, đạt 85,8%.
Về giao thông: Dự án đầu tư xây dựng công trình đường ven sông Cái Lớn đã chi trả bồi thường, hỗ trợ được 540/569 trường hợp với số tiền 75.035.078.672 đồng, đạt 94,63%. Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận đã đo đạc, kiểm đếm được 318 hộ với 365 trường hợp và 5 tổ chức, diện tích thu hồi 492.278 m2, đạt 100%.
Đặc biệt, Dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua huyện Vĩnh Thuận. Đến nay đã tổ chức chi trả bồi thường, hỗ trợ đạt 99,6% kinh phí, tỷ lệ thu hồi đất đạt 99,93%, bàn giao mặt bằng với diện tích 875.746,06 m2, trong đó đã bàn giao 100% mặt bằng tuyến chính.
“Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, tạo kết nối đồng bộ liên xã, liên huyện; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm cấp huyện, tạo sức bật để khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có”, ông Lê Trung Hồ nhấn mạnh.
SÁU NGHỆ