Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

Chuyên gia AI Việt Nam: Quá sớm để nói ChatGPT khiến nhiều nghề nghiệp biến mất

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, sự xuất hiện của ChatGPT có thể là bước đột phá nhưng còn quá sớm để nói ChatGPT khiến nhiều nghề nghiệp biến mất.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài – Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam chia sẻ với VTC News về chatbot AI đang “làm mưa làm gió” trên toàn cầu khi mới ra mắt chỉ trong vài tháng.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài – Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam.

– Là chuyên gia đầu ngành về công nghệ trí tuệ nhân tạo, theo ông yếu tố nào giúp ChatGPT tạo nên cơn sốt?

Trước tiên chúng ta cần hiểu công nghệ nền tảng đứng sau ChatGPT là mô hình ngôn ngữ lớn (large language models – LLM), thuộc lĩnh vực AI tạo sinh (generative AI). AI tạo sinh là loại AI dùng để sinh ra nội dung mới sau khi đã huấn luyện trên những dữ liệu, nội dung đã có trong quá khứ.

Những năm gần đây chúng ta chứng kiến sự ra đời của các phần mềm AI tạo sinh tạo nên bất ngờ và hiệu ứng truyền thông lớn như Midjourney, DALL-E (sinh hình ảnh). Tuy nhiên, theo tôi biết, ChatGPT là ứng dụng tương tác người dùng đầu tiên của AI tạo sinh được mở cho người dùng phổ thông rộng rãi.

Tất nhiên chatbot không phải là sản phẩm công nghệ mới của AI. Các công nghệ AI tạo sinh của ChatGPT cũng không phải là mới, nhưng đây là công cụ chatbot dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn của AI tạo sinh đầu tiên dành cho công chúng phổ thông như một sản phẩm hoàn thiện (dù đây mới là bản thử nghiệm beta).

Điểm thứ hai là phần trải nghiệm người dùng của ChatGPT được xây dựng thân thiện hơn so với các công cụ tương tự. Đội ngũ của OpenAI đã biết cách tinh chỉnh LLM cho bài toán chatbot.

AI tạo sinh và các sản phẩm dựa trên công nghệ AI tạo sinh như ChatGPT chắc chắn là xu thế công nghệ AI trong tương lai gần. Nó có khả năng tận dụng lượng dữ liệu huấn luyện lớn mà không cần sự can thiệp nhiều của con người trong quá trình tự học.

– Nhiều người cho rằng, với những gì ChatGPT làm được có thể giúp nó thay thế con người trong một số ngành nghề đặc thù, khiến nhiều nghề có thể biến mất. Ông nghĩ nhận định này có chính xác?

Còn quá sớm để đưa ra những nhận định mang tính khái quát hay vĩ mô về ChatGPT. Cần có thời gian cho những đánh giá nghiêm túc, hệ thống, bài bản hơn. Hơn thế nữa ChatGPT hiện mới là phiên bản thử nghiệm (beta) và mô hình ngôn ngữ cũng như hệ thống sẽ còn được cập nhật.

Xu thế sắp tới vẫn là con người kết hợp với sự trợ giúp AI để làm việc.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài – Viện trưởng AI Academy Vietnam

OpenAI dự kiến sẽ công bố LLM mới, GPT-4 thay thế cho mô hình GPT-3 nền tảng của ChatGPT trong thời gian ngắn tới.

Mặt khác ChatGPT hay các công nghệ AI tạo sinh không phải không có hạn chế. Vì thế chưa đủ cơ sở để kết luận như “AI thay thế con người” hay “AI sẽ thay thế nghề nghiệp”.

Dù vậy các công nghệ và sản phẩm AI tạo sinh như ChatGPT sẽ thay đổi đáng kể một số ngành, lĩnh vực (theo cả chiều hướng tốt và xấu), đặc biệt những ngành có nhu cầu cần sản sinh nhiều nội dung, ví dụ như giáo dục hay truyền thông.

Xu thế sắp tới vẫn là con người kết hợp với sự trợ giúp AI để làm việc.

– Cá nhân ông nghĩ sao về ChatGPT, ông có thấy AI này ‘ưu việt’ như mọi người nhận xét?

Như đã trao đổi ở trên, chúng ta chưa đầy đủ thông tin về mọi thứ bên trong ChatGPT cũng như chưa đủ thời gian để có nhiều trải nghiệm, đánh giá nghiêm túc. Hệ thống về ChatGPT và hệ thống ChatGPT và công nghệ AI tạo sinh, nền tảng của nó sẽ còn được huấn luyện và cập nhật tiếp để trở nên thông minh hơn.

Điểm mạnh của ChatGPT như đã thấy là tận dụng khả năng của các LLM và sự cẩn thận, chăm chút trong việc làm dữ liệu huấn luyện, tinh chỉnh mô hình, làm sản phẩm nên ChatGPT có lẽ là chatbot AI đầu tiên dùng rộng rãi mà có trải nghiệm tốt cho người dùng.

Khả năng viết (tạo sinh) ngôn ngữ của ChatGPT rất tốt, mượt mà (coherence) sáng sủa (good logic), giống như người viết. Nó tạo ra hiệu ứng truyền thông rất tốt cho các ứng dụng của AI cũng như làm cho hy vọng vào việc ứng dụng các mô hình AI nhận thức (cognitive) trong các ứng dụng nhiều người dùng (massive users) trở nên khả thi hơn. Đồng thời làm cho giới nghiên cứu thấy rằng các LLM tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng những mô hình AI nhận thức có khả năng như con người (về suy nghĩ, lập luận, sử dụng ngôn ngữ, sáng tạo, …).

Tuy nhiên với hạn chế của các công nghệ AI tạo sinh hiện tại, có vẻ như ChatGPT mới chỉ mô phỏng được tốt cách sinh ngôn ngữ (dạng câu trả lời), cách viết của con người, chứ không thể đảm bảo tính đúng đắn của nội dung.

Hơn nữa những khuyết điểm của của các LLM như thiên lệch (bias) dù được tính đến trong quá trình xây dựng ChatGPT nhưng vẫn là vấn đề tiềm ẩn rủi ro. Ở các khía cạnh khác như kinh doanh, xã hội, con người… thì ChatGPT có ưu việt hay không vẫn còn là câu hỏi mở cần thời gian kiểm nghiệm thêm.

Việc xây dựng một công cụ chatbot như ChatGPT đòi hỏi sự đầu tư lớn ngân sách lẫn công nghệ, không phải công ty nào trên thế giới cũng làm được.

– Nhiều công ty công nghệ ở Việt Nam đã và đang đầu tư vào ngành trí tuệ nhân tạo. Theo ông cơ hội nào để chúng ta xây dựng được chỗ đứng ở ngành này trong tương lai?

ChatGPT dựa trên LLM với công nghệ AI tạo sinh. Mô hình GPT-3 đứng sau nó là mô hình lớn có đến 175 tỷ tham số (Mô hình GPT-4 sắp tới dự kiến lên đến hơn 1.000 tỷ tham số). Chi phí để xây dựng các LLM như vậy là rất lớn. Có nguồn tin cho rằng chỉ riêng tiền điện để huấn luyện GPT-3 đã lên đến hơn 10 triệu USD, chưa kể còn vấn đề lượng dữ liệu không lồ.

Trên thế giới hiện nay, theo tôi biết chỉ khoảng 5-6 công ty xây dựng được các mô hình AI tạo sinh lớn như vậy (gọi là các mô hình nền tảng – foundation models). Ngoài rào cản về chi phí, dữ liệu, thì những khó khăn về kinh doanh, thị trường… cũng là những rào cản khiến cho các công ty công nghệ AI ở Việt Nam (hay ở nhiều nước khác ) không dễ tạo ra những mô hình AI tạo sinh nền tảng tương tự.

Nếu lựa chọn phát triển công nghệ AI tạo sinh này trong thời gian tới, tôi nghĩ các công ty công nghệ Việt Nam bắt buộc phải lựa chọn hoặc là tìm ra những thị trường ngách, ví dụ chuyên về một lĩnh vực nào đó, khi chúng ta có lợi thế về dữ liệu (bởi những mô hình LLM GPT-3 mới chỉ huấn luyện trên những nguồn dữ liệu mở và chung).

Xu thế thứ hai là đứng trên vai người khổng lồ. Đó là tận dụng những mô hình lớn đó để xây dựng các ứng dụng đặc thù. Tất nhiên ngoài hướng về AI nhận thức, định hướng AI vào các chuyên ngành (ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất, etc – industrial AI) cũng là hướng khả dĩ cho các doanh nghiệp làm AI ở Việt Nam. Điều này có thể tận dụng được lợi thế địa phương về dữ liệu, bài toán, chuyên gia và kiến thức chuyên gia, khách hàng, thị trường.

ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) do công ty OpenAI phát triển. Điểm đặc biệt của AI này nằm ở kho kiến thức khổng lồ mà nó được cung cấp hoặc thông qua học hỏi.

Ở dạng hỏi – đáp, ChatGPT có thể hỗ trợ trả lời các câu hỏi, tìm kiếm thông tin, dịch thuật, sáng tác văn thơ, soạn nhạc, thiết kế, viết tiểu luận, sửa lỗi lập trình, làm bài kiểm tra, dạy học, tư vấn… 

Theo CBS, ChatGPT trở thành ứng dụng thu hút nhiều người dùng mới nhanh nhất trong số các ứng dụng phổ thông trên mạng internet hiện nay. Báo cáo của Ngân hàng đầu tư UBS, dựa trên dữ liệu từ Similar Web, ChatGPT được OpenAI công bố cuối tháng 11/2022, thu hút 57 triệu người dùng sau một tháng. Tính đến 31/1, chatbot AI này đã đạt 100 triệu người dùng. Trung bình mỗi ngày trong tháng 1, nó thu hút 13 triệu người truy cập.

Ngày 2/2, OpenAI tung ra gói đăng ký 20 USD/tháng cho phiên bản ChatGPT Plus, cung cấp cho người dùng dịch vụ ổn định hơn, nhanh hơn cùng các tính năng tiên tiến so với bản miễn phí.

Theo https://vtc.vn

Exit mobile version