‘Chúng ta nghe rất nhiều về chuyển đổi số, nhưng khi tôi đến gặp các doanh nghiệp thì hầu như ai cũng rất bối rối, chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu, mọi người chưa hiểu hết về công nghệ’.
Đó là những chia sẻ từ trải nghiệm thực tế của ông Lê Hoàng Thảo – giám đốc Trung tâm Công nghệ phần mềm Đại học Cần Thơ – tại hội thảo “Nâng tầm kỹ năng số và kinh tế số vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và đầu tư), phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 23-8.
Theo ông Nguyễn Khánh Tùng – viện trưởng Viện Kinh tế xã hội TP Cần Thơ, nền kinh tế số đang từng bước thay thế nền kinh tế truyền thống. Các tỉnh, thành cũng đang chạy đua ba trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chuyển đổi số cũng là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực số là một trong những nhân tố cốt lõi để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững. Nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, cần tháo gỡ bằng nhiều giải pháp và có chiến lược đào tạo, thu hút nhân tài” – ông Tùng nói.
Các số liệu được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo cho thấy tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao, kể cả nhân lực số tại Đồng bằng sông Cửu Long là rất đáng báo động.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền – phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ – cho biết xu hướng chuyển đổi số trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là ngành nông nghiệp và chế biến thủy hải sản.
Hai địa phương dẫn đầu có hơn 1 triệu lao động là Tiền Giang và Long An. Tuy nhiên, theo thống kê từ năm 2009 đến 2019, tốc độ tăng trưởng dân số Đồng bằng sông Cửu Long là 0%, lượng người nhập cư 4,9%, nhưng xuất cư 44,8%, tỉ lệ chênh lệch âm 38,9% dân số.
Tính đến năm 2019, tỉ lệ độ tuổi học phổ thông hiện không đi học tại Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 13,3% dân số, đứng đầu các khu vực trong cả nước. Trong khi đó, tỉ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo, có trình độ dạy nghề, trung cấp, cao đẳng và đại học lại thấp nhất cả nước, lần lượt chiếm 2,8%; 2,7%; 1,7% và 6,2% dân số.
Do đó, hiện nay nguồn nhân lực khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
GS.TS Võ Tòng Xuân – hiệu trưởng danh dự Đại học Nam Cần Thơ – cho biết qua các số liệu thống kê báo cáo có thể khẳng định Đồng bằng sông Cửu Long so với 7 vùng trong cả nước thì đây là “vùng trũng” của giáo dục.
“Kỹ thuật số là rất quan trọng với ngành nông nghiệp và thủy hải sản của vùng. Đây không phải là mục tiêu, mà phải là công cụ để áp dụng vào ngành sản xuất, kinh doanh.
Việc đào tạo ngành kỹ thuật số và kết hợp được với các khoa chuyên môn để ứng dụng thực tế tại các trường đại học hiện nay còn rất giới hạn. Làm sao phải khắc phục được vấn đề này” – GS.TS Võ Tòng Xuân chia sẻ.
Theo ông Phan Vinh Quang – giám đốc dự án USAID WISE, dự án “Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo – Hệ sinh thái khởi nghiệp” (Usaid Wise) được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) với ngân sách khoảng 2 triệu USD.
Đây là dự án mở nhằm hỗ trợ các đối tác tham gia vào quá trình đào tạo lại nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. WISE sẽ hỗ trợ các tổ chức tài chính phát triển các công cụ tài chính và tiết kiệm sáng tạo nhằm tăng khả năng chi trả và mở rộng tiếp cận với việc học tập suốt đời cho nhiều người học trẻ tuổi.
Giúp nâng cao năng lực cho NIC để có thể hợp tác hiệu quả với các đối tác tư nhân trong thúc đẩy hoạt động đào tạo nâng cao và đào tạo lại kỹ năng STEM, và dự kiến sẽ trang bị kỹ năng 4.0 cho 1.000 học viên, giải ngân cho vay giáo dục tương đương 400.000 USD và tận dụng tới 600.000 USD từ nguồn lực của khu vực tư nhân.
Theo TTO‘