Trong liên danh Hoa Lư, Power Line Engineering Public sẽ đóng vai trò quan trọng như một chuyên gia về MEP, sẽ hoàn thiện năng lực của Liên danh Hoa Lư cũng như tăng khả năng thành công của dự án.
Tại ĐHĐCĐ Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình năm 2023, các số liệu về sức khỏe tài chính đã bị lu mờ bởi sự xuất hiện bất ngờ của những lãnh đạo đứng đầu các công ty xây dựng lớn như Coteccons, Unicons, Central, An Phong, Delta,… Hình ảnh các lãnh đạo doanh nghiệp vốn thường được nhắc đến là đối thủ của nhau, nay bất ngờ hội ngộ, tươi cười tại một ĐHĐCĐ là điều xưa nay hiếm.
Cũng ngay trong sự kiện này, rất nhiều câu hỏi được đổ dồn về Liên danh Hoa Lư – tập hợp gồm các nhà thầu như Hòa Bình, Central, An Phong, Delta, Unicons, Thành An,… do CTCP Xây dựng Coteccons dẫn đầu. Đây là một trong ba liên danh đã nộp hồ sơ đấu thầu gói thầu 5.10 (thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách). Gói thầu có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng, là gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tuy nhiên, Liên danh Hoa Lư không chỉ bao gồm các nhà thầu nội địa mà còn có sự tham gia của Powerline Engineering Public Company Limited (PLE) – một nhà thấu đến từ Thái Lan.
Vậy Power Line Engineering Public là ai, có tiềm lực ra sao?
Power Line Engineering Public được thành lập từ năm 1988 và vừa kỷ niệm 35 năm thành lập. Thời điểm đầu, công ty này tập trung vào các gói thầu cơ điện nhưng sau đó đã mở rộng thành một nhà thầu xây dựng và kỹ thuật đầy đủ dịch vụ phục vụ khách hàng trong nước và quốc tế.
Nếu đi dọc đường phố Bangkok, không khó để điểm danh các công trình mà doanh nghiệp này tham gia gói thầu cơ điện hoặc cả gói thầu xây dựng. Năm 2007, Power Line Engineering Public hoàn thành công trình toà nhà hỗn hợp SOHO với 5 tầng ngầm. Năm 2008, công ty hoàn thành dự án nổi tiếng Chamchuri Square với tổng diện tích 187.912 m2. Ngoài ra còn có các tòa nhà văn phòng như MEA, Văn phòng mới của Ủy ban Phát thanh và Viễn thông Quốc gia, Nhà máy Tổ chức Dược phẩm Chính phủ Thái Lan,… Power Line Engineering Public cũng là nhà thầu cơ điện cho dự án Tòa nhà Quốc hội Thái Lan – tòa nhà Quốc hội lớn nhất thế giới.
Đặc biệt, Power Line Engineering Public còn có năng lực và kinh nghiệm trong việc thực hiện các gói thầu nhà ga sân bay.
Năm 2020, công ty này đã hoàn thành sân bay vệ tinh tại Bangkok (Thái Lan), thực hiện nghĩa vụ kết nối giữa sân bay mới và nhà ga cũ của sân bay Suvarnabhumi với phạm vi công việc mang tính phức và đòi hỏi kỹ thuật cao là lắp đặt Hệ thống MEP & ICT. Tổng giá trị gói thầu trị giá 14,2 tỷ bath (khoảng 404 triệu USD) và tổng diện tích 220.000m2. Đại dự án có đến 4.000 kỹ sư và công nhân tham gia, khi hoàn thành có khả năng phục vụ tới 90 triệu khách.
Trên thực tế, hệ thống cơ điện được ví là trái tim của các sân bay, cũng là phần phức tạp và thách thức nhất. Tuy nhiên, Power Line Engineering Public tự tin là đã doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trong liên danh Hoa Lư, Power Line Engineering Public sẽ đóng vai trò quan trọng như một chuyên gia về MEP, sẽ hoàn thiện năng lực của Liên danh Hoa Lư cũng như tăng khả năng thành công của dự án.
Nói về lý do tham gia liên danh Hoa Lư, ông Swake Srisuchart – Chủ tịch Uỷ ban Điều hành Power Line Engineering cho biết: “Tôi nhớ khi ông Bolat (Chủ tịch HĐQT Coteccons) đến gặp và nói chuyện về dự án này, lúc đó, những dự án lớn và phức tạp ở Thái Lan khá hiếm. Dự án Sân bay Long Thành là dự án khó tiếp theo mà chúng tôi muốn thử thách, vì chúng tôi cũng vừa hoàn thành xong dự án sân bay vệ tinh của sân bay Suvarnabhumi. Sân bay Suvarnabhumi là một dự án do người Thái Lan thực hiện, chúng tôi là người dẫn đầu liên danh, cũng giống như việc Coteccons dẫn đầu liên danh Hoa Lư bây giờ.
Dự án Sân bay Long Thành có quy mô gấp khoảng 1,5 lần dự án chúng tôi vừa hoàn thành. Đó là một thử thách mới cho công ty. Chúng tôi là những người có kinh nghiệm, là số 1 trên thị trường Thái Lan về cơ điện. MEP là phần khó nhất, phức tạp nhất. Tuy nhiên, với năng lực PLE đã hoàn thành các dự án tương tự nên MEP không hề khó với chúng tôi”.
Cũng theo ông Swake Srisuchart, với một đại dự án như Sân bay Long Thành, không một công ty hay nhà thầu nào có thể tự mình thực hiện bởi dự án yêu cầu rất nhiều nguồn lực, nhân lực và tài chính để thực thi. Mỗi thành viên trong liên danh đóng góp những điểm mạnh nhất của mình, cùng phân chia dự án thành nhiều hạng mục, từng khu và cùng thực hiện thì mới có thể hoàn thành trong thời gian kỳ vọng là 36 tháng.
“Tại Thái Lan, các công ty xây dựng Trung Quốc, Nhật Bản hay châu Âu có giá cao hơn nhiều so với nhà thầu nội. Tuy nhiên, PLE cũng không sợ đối mặt, giá của họ cao hơn nhưng công nghệ, kỹ thuật không hơn nhiều. Việt Nam cũng tương tự Thái Lan. Các nhà thầu Việt có lợi thế và đủ năng lực để hoàn thành. Coteccons cũng đã xây được tòa nhà biểu tượng Landmark 81. Đây là thời điểm để các nhà thầu nội được thực hiện, tham gia các đại dự án, ngay từ bây giờ”, người đứng đầu Power Line Engineering bày tỏ.
Trong khi đó, nói về việc tìm đến Power Line Engineering, Chủ tịch Coteccons cho hay, công thức nhà thầu nội kết hợp với nhà thầu ngoại sẽ là lời giải cho nhà ga sân bay Long Thành. Liên danh không chạy đua để tìm một nhà thầu “có vẻ là ngoại” mà nhìn vào hồ sơ năng lực của họ. Cùng với đó là việc nghiên cứu, tính toán để chia sẻ năng lực, văn hoá làm việc tương đương.
Nói thêm về Liên danh Hoa Lư, đây là liên danh tập hợp của nhiều doanh nghiệp đang nằm trong Top 10 nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Tuấn – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Central cho hay, ngoài việc đảm bảo về khả năng thực thi, thi công, Liên danh cũng đã có những đảm bảo về khả năng tài chính. Theo tính toán, ngay cả khi dòng tiền về không kịp, có thể âm tới 5.000 tỷ nhưng Liên danh vẫn có nguồn tiền đảm bảo từ Coteccons cũng như các ngân hàng BIDV, VietinBank, MBBank, TP Bank.