Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

Cải tạo 14 tuyến rạch trung tâm Cần Thơ phát huy giá trị sông nước

Thành phố Cần Thơ đang thực hiện một dự án chống ngập khu trung tâm thuộc địa bàn 2 quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ và tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Diện tích được bảo vệ 2.675 ha, dân số 423.400 người. Trong đó, có việc cải tạo 14 tuyến rạch dài 15,77 km len lỏi giữa các khu dân cư nhằm tăng cường khả năng điều tiết nước, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân theo định hướng phát huy giá trị sông nước.

Thi công cải tạo rạch Từ Hổ suốt ngày đêm

Nhiều khó khăn, thách thức

Những ngày giữa tháng 6/2024, tại rạch Từ Hổ ở phường Hưng Lợi (Ninh Kiều) đèn sáng xuyên đêm, sôi động việc thi công. Rạch Từ Hổ có đoạn chính dài 460 mét và đoạn nhánh dài 359 mét, chạy giữa khu dân cư sầm uất mà không có lối đi bên bờ. Nhà dân ở nhiều đoạn xây lấn rạch và xả rác bít dòng nước chảy. Thi công phải bốc rác chuyển đi, đào sâu xuống, đổ bê tông làm cống hộp. Không có đường đi, xe bê tông phải đậu ở con đường bên ngoài để bơm bê tông vào và vì đường đông người qua lại nên không thể đậu xe ban ngày, phải làm ban đêm.

Nhà ông Phạm Bình Hòa bên rạch Mương Củi bị sạt lở đang sửa chữa

Rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng đã được vượt qua. Ông Nguyễn Văn Thành có nhà bên rạch Từ Hổ, nhìn cống hộp bê tông sắp mở đường rộng 4 mét thì vui mừng: “Cuộc sống chúng tôi trước đây tù túng bí bức lắm nhưng nay đã bắt đầu thấy tươi đẹp. Đoạn đường mới này sẽ nối đường Nguyễn Văn Linh với hồ Búng Xáng 15 ha rộng nhất ở trung tâm thành phố Cần Thơ, dân cư chúng tôi thực sự sẽ được hưởng giá trị văn hóa sông nước mà nhiều năm nay lãnh đạo thành phố đặt mục tiêu phát triển”.

Gần với rạch Từ Hổ, cùng được cải tạo còn có rạch Ông Tà dài 1.234 mét, Xẻo Lá dài 1.388 mét, Xẻo Dớn dài 790 mét và rạch Sao dài 600 mét. Một số rạch có đoạn chính và đoạn nhánh, nhiều đoạn có đường hai bên bờ xen lẫn chỉ có đường ở một bờ hoặc không có đường bên bờ. Đường bên bờ lớn và nhỏ đa dạng, quanh co, không có đường bên bờ thì nhà dân cất lấn chiếm rạch. Nói chung rạch không còn lưu thông nước, chỉ đọng rác và bùn gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Khi cải tạo, theo điều kiện cụ thể mà rạch được đổ cống hộp làm đường bên trên hoặc cống hở và mở đường bên bờ.

Rạch 91B rộng mấy chục mét bị cất nhà lấn chiếm, chưa được giải tỏa để cải tạo

Công trình giao thông theo thiết kế là cấp IV, công trình hạ tầng kỹ thuật cấp II. Trên diện tích hẹp ở trung tâm thành phố với dân cư đông đúc, công trường cải tạo các tuyến rạch đối diện rất nhiều khó khăn, thử thách. Đến các công trường dễ bặt gặp nhà dân xây dựng lấn chiếm rạch bằng vật liệu tạm, kết cấu yếu mà tường kè bê tông phải nằm sát nhà dân hoặc cắt một phần nhà, lại không có đường công vụ hoặc đường quá nhỏ hẹp phục vụ thi công. Các kỹ sư xây dựng bày tỏ, thực tế đó cho nên thiết kế dù tính toán kỹ lưỡng vẫn không thể đánh giá hết tình hình địa chất, thủy văn và thời tiết (mưa nhiều, nước dâng, nước thải, rác thải) dẫn đến quá trình thi công cũng là quá trình xử lý sự cố rất nan giải.

Phần nào thấy được sự nan giải ấy ở công trường cải tạo rạch Mương Củi nằm giữa phường Hưng Lợi và phường An Khánh (Ninh Kiều). Những đoạn có đường bên bờ thì khi thi công vì nền đất yếu nên hay sạt lở, phải xử lý để đảm bảo giao thông cho người dân qua lại. Có một đoạn không có đường bên bờ mà có nhà của ông Phạm Bình Hòa thì bị sạt lở, phải bồi thường số tiền lớn.

Ông Phạm Bình Hòa kể, nhà ông cất vật liệu nhẹ nhưng khi nạo vét rạch Mương Củi để xây kè bê tông sâu đến 5 mét đã gây sạt lở dài 70 mét, đổ sập nhiều phần nhà. Tính toán của cơ quan thẩm định do ông thuê, thiệt hại đến 600 triệu đồng, còn thẩm định của đơn vị do chủ đầu tư thuê thì chỉ 300 triệu đồng. “Gia đình tôi ủng hộ việc cải tạo rạch để nâng cấp thành phố nên không cò kè mà chấp nhận giá bồi thường 300 triệu. Cũng mong việc thi công sẽ triển khai nhanh, an toàn hơn để người dân nhanh được hưởng lợi”, ông Hòa nói.

Chủ đầu tư cảm ơn ông Hòa và bày tỏ thêm những khó khăn vướng mắc gặp phải trên từng bước thi công. Mặt bằng bàn giao không đồng bộ giữa 2 bờ và không liên tục, nên rất khó triển khai thi công. Lại còn việc giải phóng mặt bằng. “Tổng số bị ảnh hưởng là 1.140 hộ, việc giải phóng mặt bằng do các quận đảm bảo, qua rất nhiều lần đốc thúc và hứa hẹn, đến nay mới bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công được 1.016 hộ, đạt 89% và số còn lại chưa biết bao giờ các quận giải tỏa xong để bàn giao”, đại diện Chủ đầu tư nói.

Sáng dần đô thị sông nước

Dự án cải tạo 14 tuyến rạch do Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ làm Chủ đầu tư, được chia làm 3 gói thầu. Các gói thầu khởi công trong năm 2022 và 2023, theo hợp đồng sẽ kết thúc ngày 30/6/2024 nhưng đến nay mới đạt tỷ lệ rất thấp. Mỗi gói có giá từ hơn 190 tỷ – hơn 400 tỷ đồng, nay mới đạt 39%, 36,55% và 11,3%.

Sự chậm tiến độ do nhiều khó khăn đã được các cơ quan quản lý nhìn nhận và đang có phương án xử lý thích hợp, để đạt kết quả đề ra, cải tạo các tuyến rạch thành công. Những khu vực đang hoàn thiện việc cải tạo, đã hiện ra bộ mặt mới cho các khu dân cư, đưa đến nhiều niềm tin và hy vọng.

Rạch Bà Bộ trước đây và nay đã được xây bê tông thông dòng chảy

Ông Nguyễn Tiến Lộc có nhà bên rạch Bà Bộ kể: “Con rạch này trước đây có thuyền chở du khách đến thăm làng hoa Bà Bộ nhưng vài chục năm nay đã tắc nghẽn bởi bèo và rác. Nay được làm rạch bê tông cho nước thông thoát, trước mắt đã hết mùi hôi thối và tương lai hy vọng lại có dòng nước trong lành”.

Ông Trần Văn Hải có nhà bên rạch Hàng Bàng vui vẻ: “Rạch Hàng Bàng khá lớn nhưng chẳng nhớ từ năm nào đã bị rác, cỏ cây bít kín dòng chảy. Nay việc cải tạo đã dọn rác, xây mái kè bê tông thoáng đãng, nước bắt đầu lưu thông nên đầu mùa mưa này không còn ngập lụt và hôi thối như trước, không khí đang ngày một trong lành”.

Bà Nguyễn Thị Hải có dãy nhà trọ bên rạch Mưng Củi bày tỏ: “Rạch Mương Củi ở thế kỷ trước thuyền qua lại được nhưng vài ba chục năm nay thì đầy rác, chỉ còn là một dòng ngước đen ngòm rỉ rả. Nay đang được khơi thông, chưa hoàn thiện nhưng đã nhìn thấy sáng đẹp ở tương lai gần cho xứng đáng với đô thị trung tâm vùng sông nước”.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án ODA giới thiệu khái quát cả dự án có mục tiêu giảm thiểu rủi ro ngập lụt cho khu vực đô thị lõi thành phố Cần Thơ, tăng cường năng lực cho các cơ quan của thành phố trong công tác quản lý rủi ro thiên tai. Diện tích được bảo vệ là 2.675 ha và dân số 423.400 người, gồm 391.600 người ở thường xuyên (dân tại chỗ, học sinh, sinh viên, lao động nhập cư) và khoảng 31.800 người không thường xuyên (khách du lịch, khám chữa bệnh) thuộc địa bàn 2 quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ. Dự án có 3 hợp phần.

Rạch Hàng Bàng khi dọn rác và nay đã làm mái kè bê tông thoáng đãng

Hợp phần 1 kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường với việc xây dựng hệ thống kiểm soát ngập ở vòng ngoài, các tuyến kiểm soát ngập cho khu vực đô thị lõi như âu thuyền và cống ngăn triều. Xây dựng hệ thống chứa nước và kiểm soát ngập tại vòng trong, gồm cải tạo 15,77 km cho 14 tuyến rạch cùng xây dựng các hồ chứa nước có diện tích 15 ha quận Ninh Kiều và 4,8 ha ở quận Bình Thủy.

Hợp phần 2 phát triển hành lang đô thị, xây dựng cầu Quang Trung (đơn nguyên 2), cầu Trần Hoàng Na và đường Cách Mạng Tháng 8, đường tỉnh ĐT 918, hạ tầng cơ sở khu tái định cư và đầu tư trang thiết bị quản lý vận hành, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu về quản lý giao thông.

Hợp phần 3 tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng cơ sở dữ liệu không gian địa lý hoạt động trên trang mạng để hình thành cơ sở dữ liệu không gian duy nhất phục vụ các sở thực hiện công tác quy hoạch không gian và phát triển hạ tầng. Hệ thống trợ giúp xã hội phòng chống, khắc phục thiên tai.

Với mục tiêu hết ngập do mưa và triều cường sẽ cho hiệu quả kinh tế rất rõ là tăng diện tích đất xây dựng, không làm hư hỏng công trình và hạ tầng kỹ thuật, không làm gián đoạn sinh hoạt và sản xuất của người dân, không ách tắc giao thông.

Việc cải tạo 14 tuyến rạch ở trung tâm đô thị Cần Thơ, dù chưa hoàn thành đã thấy được, sẽ tăng giá trị đất bên các tuyến rạch, mở ra cho hàng nghìn hộ dân khả năng phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Các tuyến rạch không còn tù đọng sẽ giảm ô nhiễm môi trường đất và nước, giảm nguồn gây bệnh và lây lan dịch bệnh.

Cải tạo các tuyến rạch cùng các hồ lớn chứa nước tạo cảnh quan sông nước trong lành, đáp ứng được kỳ vọng phát triển bền vững. Bên các tuyến rạch và xung quanh hồ sẽ mở ra các công viên đem lại một bộ mặt mới cho thành phố, cùng với môi trường xanh – sạch – đẹp sẽ là hình ảnh của thành phố trung tâm vùng ĐBSCL gửi đến gần xa.

Sáu Nghệ

Exit mobile version