Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

Bộ đồ bay phản lực đầu tiên trên thế giới không cần dùng tay để điều khiển

 

 

Mẫu jetpack của Maverick được giới thiệu là bộ đồ bay đầu tiên trên thế giới cho phép người dùng hoàn toàn không cần điều khiển bằng tay.

Hai nhà đồng sáng lập của Maverick Aviation cùng phát triển bộ đồ bay độc đáo.

Mới đây, nhà sản xuất thiết bị bay di động Maverick Aviation vừa công bố những hình ảnh đầu tiên về nguyên mẫu jetpack (bộ đồ bay phản lực cá nhân) thế hệ mới, nhằm mục đích sử dụng trong một số lĩnh vực đặc thù như bảo dưỡng thiết bị, cứu hộ.

Theo Maverick, sản phẩm sử dụng hệ thống cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng (VTOL), có thể được cấu hình lại thành một máy bay không người lái hạng nặng để phục vụ khả năng vận hành từ xa.

Mẫu jetpack của Maverick Aviation được giới thiệu là bộ đồ bay đầu tiên trên thế giới cho phép người dùng hoàn toàn không cần điều khiển bằng tay.

Thay vào đó, hệ thống lái tự động được lập trình sẵn sẽ giúp quá trình điều khiển jetpack trở nên dễ dàng và có độ chính xác cao. Cũng nhờ đó mà bộ đồ này không yêu cầu người dùng phải trải qua quá trình đào tạo kỹ lưỡng để điều khiển.

Theo CEO kiêm đồng sáng lập của Maverick Aviation – ông Antony Quinn, bộ đồ bay có thể hạ cánh trên các cấu trúc khó tiếp cận như tuabin gió, thiết bị quân sự hoặc các công trình đang xây dựng.

Nó cũng có thể mang theo tải trọng gấp 10 lần các hệ thống bay có kích thước tương tự hiện nay trên thị trường.

Chi tiết bộ đồ bay jetpack của Maverick Aviation.

Công ty cho biết thêm, các kỹ thuật sản xuất tiên tiến như in 3D đã được sử dụng cùng với vật liệu nhẹ như nhôm, titan và sợi carbon để giảm trọng lượng của chiếc jetpack, mà vẫn đảm bảo độ cứng cáp cần thiết.

Được biết, chiếc jetpack có thể di chuyển trên bầu trời với vận tốc trung bình từ 16 đến 48km/h. Tuy nhiên, thời lượng pin để đảm bảo duy trì hoạt động của nó vẫn chưa được tiết lộ.

Khái niệm về jetpack đã được xây dựng trong các bộ phim viễn tưởng và truyện tranh từ những năm đầu của thập niên 1940. Tuy nhiên phải mãi tới năm 1964, ý tưởng này mới được chuyển hóa thành thiết bị bay thực tế, được nhà phi hành gia Peter Kedzierski thử nghiệm tại hội chợ toàn bang California (Mỹ), nhưng không thành công.

Sang đến những năm 2000, jetpack dần được chế tạo thành công, và mang đến nhiều ứng dụng trong quân sự, y tế, cứu hộ… hay đơn giản chỉ được sử dụng như một thiết bị di chuyển cá nhân. Một số bộ đồ bay đã được cải tiến để phù hợp với nhiệm vụ được giao, như có thể không gây ra tiếng ồn, “tàng hình” trước radar, hay đạt tốc độ lên đến 120 km/h.

Mặc dù vậy, cấu tạo cơ bản của một bộ đồ bay jetpack vẫn chỉ bao gồm hệ thống bay phản lực dùng nhiên liệu, hai mô-đun với một cặp động cơ trên mỗi cánh tay và một hệ thống đẩy, gồm từ 2-4 ống phóng ở phía sau. Chúng có thể sử dụng nhiên liệu máy bay phản lực hoặc dầu diesel thông thường.

Theo các nhà nghiên cứu, trong tương lai gần, jetpack có thể được xem là giải pháp giá rẻ và phù hợp hơn với người dùng để thay thế cho trực thăng sau khi được thương mại hóa và cấp phép như một phương tiện di chuyển cơ bản.

Dân trí

 

Exit mobile version