Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

Bảy địa phương cực Nam liên kết phát triển

Hôm 3/11/2021, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau ký Chương trình Liên kết phối hợp trong phòng chống dịch COVID-19 và Phát triển kinh tế-xã hội. Đây được xem là bước đi lịch sử của các địa phương, chủ động thực hiện một yêu cầu khách quan có tính chiến lược để phát triển ổn định trong tình hình mới. Xin giới thiệu Chương trình với hai nội dung thời sự là hợp tác về y tế và nông nghiệp.

Thủy sản  đang bức xúc liên kết để ổn định đầu ra

Nguyên tắc, mục tiêu, giải pháp

Việc hợp tác phát triển mang tính chiến lược, lâu dài; phát huy hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương. Những nội dung của Chương trình mang tính định hướng để các sở, ngành, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố thảo luận, thống nhất những nội dung hợp tác cụ thể.

Trước mắt, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; góp phần đưa ĐBSCL sớm chuyển sang trạng thái bình thường mới. Ổn định chuỗi cung ứng các loại hàng hoá và dịch vụ thiết yếu.

Về lâu dài, thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các địa phương trên nhiều lĩnh vực tạo sự đồng thuận và tiếng nói chung trong việc kiến nghị với Chính phủ, Bộ ngành Trung ương giải quyết các vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.

Giải pháp thực hiện: Xây dựng kênh thông tin, tăng cường các hoạt động phối hợp giữa các sở, ban, ngành, hiệp hội doanh nghiệp; ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Theo điều kiện thực tế, các sở, ban ngành có cùng chức năng ở các địa phương chủ động thỏa thuận, phối hợp thực hiện theo hướng linh hoạt để giải quyết các vấn đề phát sinh nhanh chóng, hiệu quả.

Thành lập Tổ giúp việc (gồm Sở KH&ĐT, Văn phòng UBND thành phố/tỉnh, các sở ban ngành, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan) triển khai thực hiện nhiệm vụ Chương trình đã đề ra. Sở KH&ĐT là đầu mối theo dõi việc triển khai, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện.

Định kỳ hàng quý, các tỉnh, thành phố luân phiên chủ trì sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm việc thực hiện. Thành lập đường dây nóng, các nhóm Zalo của Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, Tổ giúp việc để giải quyết hiệu quả, kịp thời các vấn đề phát sinh.

 trái cây đang bức xúc liên kết để ổn định đầu ra

Hợp tác lĩnh vực y tế

Thông tin kế hoạch của địa phương trong triển khai các quy định của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; ưu tiên hướng dẫn các quy định về điều kiện hoạt động vận tải giữa các địa phương, các biện pháp kiểm soát y tế đối với người đến từ địa phương khác.

Thống nhất phương án tổ chức phân loại, phân tuyến điều trị từ cơ sở tới các bệnh viện tuyến cuối; cập nhật, hoàn thiện và trao đổi thông tin về phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế để chỉ đạo chuyên môn, điều phối, hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện trên địa bàn. Sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ giảm tình trạng quá tải cho các cơ sở y tế đang điều trị người bệnh COVID-19 tại các địa phương; chia sẻ với các tỉnh/thành phố đang có nhu cầu về vaccine và thuốc điều trị COVID-19 khi được sự thống nhất của Bộ Y tế; hỗ trợ trang thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế.

Tổng hợp và thông tin về danh sách các bệnh viện, cơ sở y tế tiếp nhận người mắc COVID-19. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phối hợp chặt chẽ hơn, trao đổi thông tin kịp thời về các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 có dịch tễ liên quan đến nhiều tỉnh thành để truy vết,

Đối với các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ nhưng có nhu cầu về cách ly y tế tại các tỉnh, thành khác, thì địa phương tiếp nhận chủ động có văn bản đến Sở Y tế Cần Thơ hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố trước khi nhập cảnh để phối hợp trong việc bàn giao, vận chuyển. Chia sẻ kinh nghiệm quản lý thông tin tiêm chủng ngừa COVID19; thu thập và quản lý cơ sở dữ liệu F0, F1, F2, xét nghiệm SARS-CoV-2 và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch.

Đơn vị thực hiện: Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện.

Hợp tác lĩnh vực nông nghiệp

Các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; thông tin về danh mục, sản lượng dự kiến các loại nông sản cần bán, cần mua trên địa bàn; trước mắt là các nông sản không tiêu thụ được do ảnh hưởng đại dịch COVID-19.

Xây dựng, kiện toàn Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam theo quyết định của Bộ NN&PTNT; xây dựng danh mục sản phẩm đủ điều kiện tham gia kết nối; lựa chọn doanh nghiệp tham gia hoàn thiện chuỗi ngành hàng từ sản xuất đến thu mua.

Tăng cường hoạt động xúc tiến, kết nối giữa sản xuất, cung ứng với phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương. Phối hợp triển khai kế hoạch đưa nông sản kể cả cây giống, con giống lên các sàn thương mại điện tử; phối hợp với tập đoàn viễn thông, các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Chữ ký của Chủ tịch UBND các địa phương trong Chương trình

Tạo thuận lợi cho hoạt động thu hoạch, thu mua nông sản, các nhà máy chế biến nông lâm thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, hoạt động của các cảng cá; không để đứt gẫy chuỗi sản xuất nông nghiệp. Phối hợp kiểm tra, kiểm soát vật tư đầu vào; truy xuất nguồn gốc nông sản. Chủ động nghiên cứu tổ chức mô hình sản xuất và phân phối các sản phẩm theo phương thức đặt hàng trong tương lai.

Đơn vị thực hiện: Sở NN&PTNT các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở KH&CN, Liên minh Hợp tác xã, Hội Nông dân các địa phương triển khai thực hiện.

                                                                                                                      SÁU NGHỆ

 

Exit mobile version