Mối liên hệ, liên kết giữa cơ sở đào tạo lao động và nơi sử dụng lao động là vấn đề cấp thiết được đặt ra.
Ngày 23/11, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm về ‘Đào tạo thí điểm chương trình theo mô hình mới của Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi, bổ sung)’ do Hội Kết cấu và Công nghệ xây dựng Việt Nam (Tổng Hội Xây dựng Việt Nam) tổ chức. Buổi tọa đàm diễn ra theo cả 2 hình thức trực tiếp và trực truyến.
Tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, lãnh đạo Hội Kết cấu và Công nghệ xây dựng Việt Nam cùng đạo diện các trường ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Giao thông vận tải, Viện Nghiên cứu (Xây dựng, Giao thông, Thủy lợi) và các doanh nghiệp (CONINCO, TEDI, VNCC, CDC…), đại diện một số doanh nghiệp các địa phương…
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã cùng nhau trao đổi về thực tế đào tạo trong ngành xây dựng tại Việt Nam; một số bất cập trong các trường đào tạo ngành nghề; chất lượng đào tạo của các trường…. và cùng nhau đưa ra các giải pháp để khắc phục những vấn đề còn tồn tại.
Tham dự trực tuyến buổi tọa đàm, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS. Đặng Việt Dũng đánh giá buổi tọa đàm này là một trong những sáng kiến rất cấp thiết và hữu ích: Chúng ta có truyền thống đào tạo từ lâu, nhưng từ đào tạo nhà trường đến thực tế làm việc còn phải đào tạo thêm vì hầu như sinh viên ra trường không làm việc được ngay. Hiện nay đã có sự điều chỉnh của Luật Giáo dục Đại học, có quy định khung trình độ quốc gia… nên các trường trong khối, ngành cũng dễ thống nhất được khung đào tạo chuẩn hơn.
“Điều này có nhiều ưu điểm. Vấn đề nữa của chúng ta là làm sao tạo ra được mối liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp và cả cơ quan nhà nước.”
Song, ông Dũng cũng băn khoăn về việc đảm bảo chất lượng đào tạo trong các nhà trường: làm sao để người học có thể trau dồi được kiến thức tốt nhất nhằm khi ra trường có thể làm được việc.
TS. Đặng Việt Dũng đề nghị các chuyên gia, nhà trường, các đơn vị quản lý thúc đẩy thêm nhiều hội thảo tương tự để bàn sâu hơn về các giải pháp giải quyết vấn đề chênh lệch từ học lý thuyết – áp dụng thực tế này; các vấn đề chưa phù hợp giữa chương trình đào tạo của Việt Nam so với nước ngoài; tăng cường liên kết với các đơn vị tuyển dụng để điều chỉnh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đơn vị tiếp nhận…
Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam mong muốn sẽ có thêm những tọa đàm bàn sâu hơn về việc điều chỉnh các điều luật có liên quan đến đào tạo và sử dụng lao động sau này chứ không chỉ riêng Luật Giáo dục Đại học.
Buổi tọa đàm cũng ghi nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp quý báu của nhiều chuyên gia, đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học…