Bộ Xây dựng đề nghị TP làm rõ chức năng sử dụng đất sau khi xóa quy hoạch ba khu công nghiệp Bàu Đưng, Xuân Thới Thượng và Hiệp Phước.
“Việc điều chỉnh, bổ sung Khu công nghiệp (KCN) Phạm Văn Hai quy mô 668 ha trên cơ sở đưa ra khỏi quy hoạch ba KCN Phước Hiệp, Bàu Đưng và Xuân Thới Thượng cần làm rõ những tác động đến khu dân cư hiện hữu và định hướng phát triển của các khu vực chức năng khác đã, đang và sẽ hình thành tại khu vực xung quanh”.
Đó là ý kiến của Bộ Xây dựng về tờ trình của UBND TP.HCM đề xuất bổ sung KCN Phạm Văn Hai vào quy hoạch KCN của TP đồng thời với việc xóa bỏ ba KCN “treo” hơn 10 năm.
Khu dân cư hiện hữu dọc đường An Hạ, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh nằm trong ranh giới quy hoạch Khu công nghiệp Phạm Văn Hai.
Ảnh: VIỆT HOA
Bổ sung 668 ha đất công nghiệp và 100 ha đất dân cư…
Trong tờ trình gửi Chính phủ ngày 25-6-2021, UBND TP đã kiến nghị Chính phủ cho phép xóa bỏ quy hoạch ba KCN này và bổ sung KCN Phạm Văn Hai tại huyện Bình Chánh với quy mô 668 ha để thay thế. Theo kế hoạch, đi liền với KCN có quy mô “khủng” này là 100 ha đất dân cư, đô thị liền kề để phục vụ cho KCN.
Theo UBND TP, năm 2018, Chính phủ cũng đã đồng ý cho TP được chuyển đổi khu đất 668 ha tại xã Phạm Văn Hai sang đất công nghiệp. Vị trí khu đất này hiện nay là đất nông nghiệp, hiện do Công ty TNHH một thành viên Cây trồng TP quản lý, sử dụng.
“Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế thấp do đất bị nhiễm phèn nặng, luôn bị xâm nhập mặn và ô nhiễm bởi nguồn nước thải từ khu dân cư xung quanh. Do đó, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ phát triển nông nghiệp không hiệu quả sang phát triển công nghiệp tập trung là phù hợp với điều kiện tự nhiên, sử dụng hiệu quả quỹ đất của TP” – UBND TP nhận xét.
Với việc đề xuất bổ sung KCN mới, lãnh đạo TP.HCM kỳ vọng KCN Phạm Văn Hai sẽ là KCN mới có khả năng triển khai nhanh, thu hút đầu tư tốt, có nhiều đặc điểm thuận lợi để phát triển thành một KCN mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao. Đồng thời, phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Theo UBND TP, tổng quỹ đất công nghiệp của TP được duyệt là 7.000 ha. Hiện nay có 4/23 KCN chưa được thành lập, trong đó có ba KCN Bàu Đưng, Phước Hiệp, Xuân Thới Thượng. Riêng KCN Phạm Văn Hai, trước đây TP đề xuất quy mô 380 ha nhưng đến nay điều chỉnh thành 668 ha, đồng thời với việc xóa bỏ ba KCN nêu trên.
Về khu đất 668 ha hình thành KCN mới được quy hoạch tại xã Phạm Văn Hai phía bắc và phía nam giáp huyện Hóc Môn, phía đông giáp khu dân cư hiện hữu dọc đường An Hạ và kênh liên vùng (ranh giới xã Vĩnh Lộc A), phía tây giáp huyện Đức Hòa, Long An.
Đề nghị tính toán nhà ở công nhân trong KCN
Tờ trình của UBND TP.HCM về đề án bổ sung KCN Phạm Văn Hai vào quy hoạch phát triển KCN trên địa bàn TP hiện được Chính phủ giao Bộ KH&ĐT lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan.
Liên quan đến nội dung này, Bộ Xây dựng đề nghị cần bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung. Trong đó đáng chú ý, bộ này đề nghị TP.HCM cần làm rõ những tác động đến khu dân cư hiện hữu và định hướng phát triển của các khu vực chức năng khác đã, đang và sẽ hình thành tại khu vực xung quanh. Đồng thời làm rõ chức năng sử dụng đất dự kiến sau khi xóa quy hoạch ba KCN Bàu Đưng, Xuân Thới Thượng và Phước Hiệp.
Theo UBND TP.HCM, ba KCN trên đã đưa vào quy hoạch hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa có chủ đầu tư, chưa có chủ trương thu hồi đất, chưa triển khai các thủ tục về lập quy hoạch và dự án không còn tính khả thi. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân khi hạ tầng xuống cấp không được đầu tư, việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa, sang nhượng đất không thể thực hiện, cùng hàng loạt bất cập khác về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Chính vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch ba KCN nêu trên.
Trong đề án, ngoài 668 ha diện tích KCN còn có 100 ha đất đô thị, dân cư phục vụ KCN, Bộ Xây dựng góp ý TP cần lưu ý đến xây dựng nhà ở cho người lao động trong KCN.
“Việc này cần căn cứ nhu cầu nhà ở xã hội của địa phương, trong đó có nhà ở công nhân tại KCN Phạm Văn Hai, đảm bảo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của TP. Đồng thời, việc hình thành khu nhà ở phải được thực hiện theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, phù hợp với phương án tổ chức không gian đô thị, nông thôn đã được duyệt” – Bộ Xây dựng nêu.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng cho rằng sau khi KCN Phạm Văn Hai được bổ sung vào quy hoạch phát triển KCN của TP.HCM, TP cần tổ chức rà soát, điều chỉnh, lập và phê duyệt các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, làm cơ sở quản lý phát triển và đầu tư xây dựng KCN Phạm Văn Hai và các khu vực có liên quan. Đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực và yêu cầu về bảo vệ môi trường trong KCN, khu dân cư theo quy định.
Theo PLO